Sắp xếp lại số năm học
Tuy Bộ GD&ĐT không còn đưa phương án giáo dục cơ bản 10 năm ra lấy ý kiến, song đây là vấn đề quan trọng, nên các chuyên gia cho rằng vẫn cần thảo luận và tiếp tục nghiên cứu.
Lựa chọn mua sách giáo khoa tại Nhà sách Giảng Võ. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
|
Là người sáng lập mô hình trường Thực nghiệm, GS Hồ Ngọc Đại tán thành phương án hệ thống giáo dục phổ thông kéo dài 10 năm. "Bậc tiểu học là sự sống của đời người, nền tảng của gia đình và là sức sống muôn đời của dân tộc. Vì vậy, tôi cho rằng bậc học này nên kéo dài 6 năm, được ưu tiên tuyệt đối" - GG Đại đề xuất. PGS.TS Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, cần sắp xếp lại số năm học của mỗi cấp trong hệ thống giáo dục phổ thông. Theo bà Đan, nên giữ giáo dục THCS 4 năm như hiện nay và bậc tiểu học tăng lên 6 năm để có thời gian cho học Ngoại ngữ và tăng thêm thời gian cho Toán.
Đánh giá cao ý tưởng xác định lại cấu trúc hệ thống giáo dục phổ thông theo hướng giáo dục cơ bản là 10 năm, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội khẳng định: "Đây là việc làm hết sức mạnh dạn. Nhưng Bộ GD&ĐT cần phải làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn của phương án, tính khả thi của đề án, loại hình trường THPT định hướng nghề nghiệp". Theo ông Lâm, tư tưởng tốt, nhưng đưa ra ở thời điểm này chưa được, nên tiếp tục nghiên cứu chuẩn bị để đến thời điểm phù hợp, như năm 2020, có thể bắt đầu.
Báo cáo chưa sát thực tiễn
Các chuyên gia băn khoăn không ít về việc đánh giá tác động của một chương trình chưa được thực hiện khi Bộ GD&ĐT đưa ra đề án. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, bản Báo cáo đánh giá tác động của chương trình giáo dục phổ thông mới dài 16 trang, xét về hình thức khá chỉn chu. Nhưng khi đọc kỹ nội dung thì có thể thấy hầu hết các tác động, nhất là các tác động tích cực, "đều là tưởng tượng của người viết báo cáo" (lời GS Thuyết), không dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn hay số liệu điều tra, thử nghiệm, khảo sát nào. GS Thuyết đưa dẫn chứng trong dự thảo báo cáo: "Do chương trình chú trọng phát triển năng lực nên nội dung học sẽ được tinh giản, từ đó khắc phục hiện tượng quá tải, HS không phải đi học thêm, tiến tới khắc phục được nạn dạy thêm học thêm tràn lan và bệnh thành tích, nạn thiếu trung thực trong học tập và thi cử".
GS Thuyết băn khoăn: "Có chắc không? Bởi nạn dạy thêm học thêm trong nhiều trường hợp không phải do chương trình quá tải mà do túi tiền của thầy cô. Cũng như giáo viên hiện nay chưa chủ động, sáng tạo, mục tiêu chủ yếu nhồi cho HS vào ĐH, chứ không phải do chương trình cũ".
Đề cập tới vấn đề thực tiễn khi thực hiện đổi mới giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng phải làm rõ vai trò đội ngũ, vai trò sư phạm. Hiện xã hội không tin kết quả, HS không có động lực học, biết không học cũng được lên lớp. Đây là bài học đau xót, phải bàn phương thức kiểm tra đánh giá thật tốt. Đây là vai trò chủ thể, nhưng hiện nay chưa đề cao vai trò này. Hiệu trưởng phải là nhà sư phạm, phải là nhân cách học trò, nhân cách ông thầy. Chúng ta cần tuyển chọn những nhà sư phạm có tâm, có tầm.
Ngày 28/8, tại Phiên họp thường kỳ tháng 8, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến về Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng. Theo dự thảo đề án, hệ thống giáo dục phổ thông trước mắt vẫn giữ nguyên 12 năm đã nêu trong Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Dự thảo đưa ra 2 phương án về xây dựng sách giáo khoa, theo đó, phương án 1 là Bộ GD&ĐT trực tiếp biên soạn bộ sách giáo khoa mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn thêm nhiều bộ sách; phương án 2 là Bộ GD&ĐT chỉ thẩm định chất lượng các bộ sách giáo khoa được tổ chức, cá nhân biên soạn. Ý kiến các các thành viên Chính phủ nhất trí cao với phương án 1. |