Trong số 25 đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình phát triển KT-XH, Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, sáng 31/10, khá nhiều ý kiến đề cập tới vấn đề đã đến lúc cần phải xem xét, cân đối lại giữa hai mục tiêu: Tăng trưởng và ổn định vĩ mô.
Đại biểu Lê Hữu Đức (Khánh Hòa). Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Các đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình), Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đặt thẳng vấn đề, những khó khăn cho sản xuất, kinh doanh tiếp tục kéo dài phải chăng do chúng ta đang quá thận trọng, quá thiên về ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này sẽ gây bất ổn trong trung hạn. Và với nhiều dấu hiệu tích cực của việc kiềm chế được lạm phát, Chính phủ cần hướng mạnh hơn nữa các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng cần chuyển sang kiểm soát lạm phát có mục tiêu.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) ghi nhận, sự ổn định vĩ mô là hết sức tích cực, nhưng vẫn cần những giải pháp tạo sự chuyển biến trong tăng trưởng, Theo đó, một mặt cần tiếp tục kiểm soát lạm phát, nhưng mặt khác hướng tới hiệu quả đầu tư cho nền kinh tế. Chính phủ cần mạnh dạn hơn nữa trong điều hành đầu tư công, tái cơ cấu DN, giải quyết được vấn đề “tồn kho” bất động sản dù phải chấp nhận phá sản một số doanh nghiệp, cải cách thể chế giá cả, xóa bỏ trần lãi suất và lãi suất huy động; tạo quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để duy trì mở rộng sản xuất, xuất khẩu.
Nhiều đại biểu đồng tình và đánh giá Báo cáo của Chính phủ về tình hình và nhiệm vụ KT-XH vừa qua đã “không tô hồng và cũng không bôi đen”, nhưng cũng cần mạnh dạn và đánh giá sát hơn nữa tình hình. Kinh tế đang trên đà phục hồi, nhưng cũng cần chỉ ra những cơ hội, lĩnh vực cụ thể để tập trung đầu tư có hiệu quả các lĩnh vực đó.
Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ). Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Trong bối cảnh đó, hầu hết đại biểu tán thành với kiến nghị của Chính phủ về việc tăng bội chi để đầu tư và góp nhiều ý kiến vào việc sử dụng nguồn lực này vào những lĩnh vực thực sự cần thiết và hiệu quả.
Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho rằng thời gian qua huy động vốn đầu tư phát triển tuy tăng về lượng nhưng tỷ lệ so với GDP thì tiếp tục giảm. Năm 2012 chỉ đạt 30,5% còn đến 2013 chỉ còn 29,1%. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư hạ tầng thiết yếu lớn, nhất là vùng sâu vùng xa.
“Tôi tán thành mở rộng đầu tư công trong chừng mực trong giới hạn cho phép, phát hành TPCP, nâng bội chi, kích thích tăng trưởng, tạo việc làm. Nhưng cần khắc phục hạn chế về đầu tư dàn trải mà ưu tiên các nhu cầu thiết yếu như giao thông, y tế, giáo dục, tạo sự thay đổi trong vùng miền”, đại biểu Lê Thị Yến nói.
Đặc biệt, nhiều ý kiến kiến nghị nguồn đầu tư công cần ưu tiên xử lý những điểm nghẽn của nền kinh tế hiện nay, đó là nợ xấu, nợ đọng xây dựng cơ bản... vốn đang tiềm ẩn làm kinh tế thiếu lành mạnh, gây khó khăn cho tái cơ cấu.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) phản ánh, nhiều hạng mục đầu tư cho cấp cơ sở hiện không cần thiết như nhà thi đấu thể thao cấp xã, thôn, ấp… nên dành nguồn vốn đầu tư này cho hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) kiến nghị phân cấp mạnh mẽ để minh bạch và hiệu quả hơn trong việc tái đầu tư công, đồng thời, nâng cao tính pháp lý, xây dựng mô hình tái cơ cấu đầu tư công khuyến khích các phương thức đầu tư mới như hợp tác công-tư (PPP) để dần giảm gánh nặng cho ngân sách, tình trạng vượt cân đối ngân sách hiện nay.