Nga sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Minsk để giải quyết khủng hoảng di cư

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyên bố trên vừa được Phó đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc Anna Evstigneeva đưa ra tại cuộc họp của tổ chức này hôm 16/11.

 Cuộc khủng hoảng người di cư tại biên giới Belarusd với Latvia, Litva và Ba Lan bắt đầu từ đầu năm 2021 và leo thang căng thẳng ngày 8/11.
Theo hãng tin Tass, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) hôm 16/11, Phó đại diện thường trực Nga tại LHQ, bà Anna Evstigneeva, khẳng định Moscow sẵn sàng hỗ trợ để tiến hành cuộc đối thoại bình đẳng giữa Belarus và Liên minh châu Âu (EU) về tình hình di cư ở biên giới.
Theo bà Evstigneeva, Liên minh châu Âu (EU) nên chấm dứt việc đưa ra các tiêu chuẩn kép đối với chính quyền Minsk liên quan đến vấn đề người di cư tại biên giới Belarus - Ba Lan.
Bà Evstigneeva lưu ý thêm rằng giải pháp duy nhất và lâu dài để giải quyết khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus - Ba Lan là thông qua việc đối thoại bình đẳng với Minsk. "Nếu Brussels sẵn sàng thực hiện giải pháp này, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi", bà Evstigneeva cho hay.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Moscow đang nố lực bằng mọi cách để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus - Ba Lan. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là phải thiết lập kênh đối thoại trực tiếp giữa Brussels và Minsk.
Hãng thông tấn nhà nước Belta của Belarus ngày 16/11 đưa tin, Tổng thống nước này Alexander Lukashenko thông báo ông sẽ tiến hành cuộc điện đàm thứ hai với quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Theo Tổng thống Lukashenko, sau cuộc điện đàm đầu tiên vào ngày 15/11 vừa qua, nhà lãnh đạo Đức đã dành thời gian để thảo luận với các quốc gia thành viên EU khác về một đề xuất do Belarus đưa ra nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Ngoài ra, Tổng thống Lukashenko bày tỏ mong muốn tránh "đối đầu" liên quan khủng hoảng di cư.
Cuộc khủng hoảng người di cư tại biên giới Belarusd với Latvia, Litva và Ba Lan bắt đầu từ đầu năm 2021 và leo thang căng thẳng ngày 8/11. Hàng nghìn người di cư tiến tới biên giới Belarus - Ba Lan và không chịu rời khu vực giáp ranh, nhiều người đã phá đổ hàng rào dây thép gai để vào lãnh thổ Ba Lan.
EU cáo buộc Minsk để cho dòng người di cư đến Belarus và vượt biên giới vào Ba Lan cũng như các nước thành viên khác trong liên minh này nhằm đáp trả việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus liên quan tình hình chính trị tại nước này.
Phía Belarus luôn bác bỏ, coi đây là cáo buộc vô căn cứ. Tổng thống Lukashenko cho rằng các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm về những diễn biến này vì chính hành động can thiệp của những nước này đã khiến người dân tại nhiều quốc gia phải sơ tán chiến tranh./.