Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần giải pháp căn cơ khi ​xử lý xe quá khổ, quá tải

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong Hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải trên địa bàn Hà Nội...

Kinhtedothi - Trong Hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải trên địa bàn Hà Nội 9 tháng năm 2015 diễn ra sáng 3/11, ngoài việc bàn thảo các biện pháp cấp thiết để tiếp tục duy trì công tác xử lý, nhiều kiến giải của các đại biểu cũng cho thấy cần một nhóm giải pháp căn cơ hơn nữa mới có thể hoàn toàn xóa bỏ tình trạng xe vi phạm tải trọng, kích thước thành thùng tồn tại lâu nay.

Công tác xử lý đạt kết quả tốt

Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải cho biết, tính đến hết tháng 9, lực lượng Thanh tra GTVT đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 3.778 trường hợp vi phạm, phạt hành chính gần 25 tỷ đồng, tước 860 giấy phép lái xe, tạm giữ 180 phương tiện. Do các lực lượng thường xuyên mở các đợt cao điểm xử lý, hoạt động của xe quá khổ, quá tải trên địa bàn TP đã giảm từ 80 - 90%.
Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Cao Văn Hiệp báo cáo tại Hội nghị công tác  triển khai trạm cân lưu động nhằm kiểm soát tải trọng xe.	 Ảnh: Minh Tường
Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Cao Văn Hiệp báo cáo tại Hội nghị công tác triển khai trạm cân lưu động nhằm kiểm soát tải trọng xe. Ảnh: Minh Tường
Để có được kết quả này, Thanh tra Sở GTVT đã phối hợp cùng Công an TP, chính quyền các địa phương, nhiều đơn vị của Bộ GTVT tiến hành tuần tra, kiểm soát trên mọi ngóc ngách địa bàn, đưa 5 trạm cân lưu động đến các tuyến đường lớn xuyên tâm, hướng tâm, thậm chí đi vào từng DN, cá nhân có xe để tuyên truyền, vận động kết hợp kiểm tra, cưỡng chế xử lý vi phạm. Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT - Trưởng trạm cân lưu động Cao Văn Hiệp cho biết: “Các trạm cân hoạt động 24/24 giờ, liên tục không nghỉ, vừa bố trí chốt chặn kiểm tra, vừa đưa lực lượng tuần lưu trên các tuyến đường nhỏ, đi tắt qua trạm, hạn chế tối đa tình trạng đi vòng né trạm cân”. Quyết liệt như vậy nên 1.852/3.778 trường hợp vi phạm đã bị phát hiện, xử lý bởi các trạm cân lưu động của Sở GTVT.

Trong quá trình xử lý vi phạm, Thanh tra Sở GTVT, CSGT Hà Nội cũng gặp phải một số vấn đề mới phát sinh, chưa được hướng dẫn xử lý hoặc chưa có biện pháp giải quyết thấu đáo. Thượng tá Nguyễn Thanh Hải - Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP cho biết, hiện các Thông tư mới quy định mức phạt chung cho các xe vượt tải trọng trên 100%, nhưng thực tế có trường hợp khi kiểm tra vượt từ 200 - 500%, nếu chỉ xử lý theo mức chung thì không đủ sức răn đe. Ngoài ra, chưa có hướng dẫn cụ thể nào cho việc sang tải, hạ tải với các mặt hàng đông lạnh, xăng dầu, bê tông tươi… nên lực lượng chức năng khá bối rối khi xử lý.

Nhiều vấn đề chưa có lời giải

Ông Nguyễn Xuân Trung - Phó Giám đốc Công ty CP Vật liệu xây dựng Hà Nội nêu lên 3 vấn đề cấp thiết đối với DN vận tải: Một là, do chế tài xử phạt nặng, lại được sự tuyên truyền, vận động liên tục của Sở GTVT nên nhiều DN đã tự giác chấp hành các quy định về tải trọng, kích thước phương tiện. Tuy nhiên, vẫn còn số ít DN tìm cách chống chế, lén lút chở quá tải dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường vận tải hàng hóa, khiến các DN đã chấp hành rồi chịu thiệt thòi và dễ phát sinh tái phạm. Hai là, các cơ quan chức năng tiến hành kiểm định lại, xác định trọng lượng hàng thực tế có thể chịu tải của xe và nâng trần tải trọng. Ba là, với giá thành vận tải hàng hóa hiện nay, DN lời lãi không được bao nhiêu, Bộ GTVT cùng các bộ, ngành hữu quan cần xem xét lại, cho phép tăng giá thành, tạo điều kiện cho DN kinh doanh tốt thì tự DN sẽ tự từ bỏ việc chở quá khổ, quá tải. Một điều đáng nói khác là việc tự cắt bỏ thành thùng cơi nới của các DN là nên khuyến khích nhưng ngược lại làm thế lại vi phạm quy định về tự ý thay đổi kết cấu xe, dẫn đến khó khăn khi đi đăng kiểm. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh đã chia sẻ với các DN và cam kết sẽ báo cáo lên Bộ GTVT để có biện pháp hỗ trợ ngay.

Về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng, ông Nguyễn Xuân Lâm - Cục phó Cục Quản lý đường bộ 1 nêu sáng kiến: “Hiện nay, hầu hết các cửa ngõ của Hà Nội đều đã có trạm thu phí BOT, nên đem luôn cân lưu động ra các trạm này phối hợp kiểm tra sẽ đạt hiệu quả cao hơn”. Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện, Sở đang rà soát, cho đăng ký để tiến hành cấp phù hiệu, giấy phép kinh doanh cho DN, cá nhân có nhu cầu hoạt động vận tải hàng hóa. Từ 1/1/2016, Sở sẽ có thêm chế tài xử phạt là thu hồi phù hiệu, giấy phép của các đơn vị, cá nhân vi phạm, biện pháp này hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả cao, tăng tính răn đe. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát nguồn hàng ngay tại bến bãi đi và đến của các xe tải được đề cao như một trong những giải pháp chính, quan trọng nhất trong công tác phòng ngừa xe quá khổ, quá tải. Ông Trịnh Văn Tùng - Trưởng phòng Thanh tra 3, Bộ GTVT nhận định: “Nếu các bến bãi bốc xếp cũng như nhận hàng đều thực hiện tốt quy định về tải trọng, không chất xếp vượt mức, không nhận quá số lượng, các xe sẽ khó lòng mà chở quá tải được”.

Hiện, tình trạng xe quá khổ, quá tải trên cả nước và Hà Nội nói riêng đã giảm mạnh, tuy nhiên nếu chỉ tăng cường kiểm tra, xử lý trên đường mà không có các biện pháp thấu đáo sẽ khó lòng xóa triệt để cũng như chống tái diễn vi phạm.