Cần giải pháp mạnh mẽ khôi phục kinh tế, đặc biệt ở các tỉnh miền Trung

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 2/11, Quốc hội đã dành gần toàn bộ thời gian buổi sáng để thảo luận tổ về kinh tế-xã hội.

Tại phiên thảo luận ở tổ, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về các nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch: đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.
  Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ điều hành phiên thảo luận tại tổ đại biểu Hà Nội
Tại phiên thảo luận tại tổ đại biểu TP Hà Nội, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng, trong 5 năm từ 2016-2020, trong bối cảnh thế giới thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường, thuận lợi và khó khăn đan xen, dưới sự lãnh đạo của Đảng và giám sát của Quốc hội, Chính phủ đã điều hành nền kinh tế quyết liệt, khoa học, linh hoạt, có trọng tâm trọng điểm, để lại nhiều dấu ấn, nhất là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hoàn thiện thể chế, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực…
Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, đại dịch Covid-19 và thiên tai đã gây ảnh hưởng lớn đến người lao động, hàng triệu người mất, giảm, giãn việc làm, thu nhập, xu hướng nghèo hoá công nhân ở khu vực đô thị đang gia tăng, người lao động đối mặt với nhiều khó khăn hơn.
Người lao động là lực lượng chủ yếu tạo ra của cải vật chất cho xã hội, là vốn quý nhất của doanh nghiệp nhưng họ lại đang đối mặt với quá nhiều khó khăn, trong khi đó gói chỗ trợ của Chính phủ chưa đến được với nhiều người lao động.
Do vậy, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng, cần có các giải pháp hỗ trợ cho người lao động trong khi gói hỗ trợ cũ đến với người lao động rất khiêm tốn, chỉ khoảng nửa triệu người được thụ hưởng. Đại biểu đề nghị tập trung duy trì sự ổn định của thị trường lao động, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động, đặc biệt là đối tượng yếu thế, phải coi là ưu tiên hàng đầu trong điều hành kinh tế vĩ mô và điều chỉnh chính sách thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhận định, các chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2020 đạt được đều không như kế hoạch đã đề ra, tuy nhiên cử tri hài lòng bởi trong bối cảnh thế giới cũng khó đạt được bởi do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đại biểu bày tỏ ấn tượng ngành nông nghiệp nước ta đã khẳng định được vai trò trụ đỡ, xuất khẩu tăng, đạt gần 17 tỷ USD trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm. Hiệp định EVFTA là thắng lợi rất quan trọng của nước ra, mở ra đại lộ lớn để hội nhập với kinh tế thế giới.
 Đại biểu Ngọ Duy Hiểu phát biểu 
Bên cạnh đó, qua thiên tai, dịch bệnh thể hiện được tình người của người Việt Nam, là bài học để giáo dục thế hệ trẻ, thể hiện rõ trách nhiệm của Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội trong thiên tai và dịch bệnh. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần nắm bắt cơ hội khi nền kinh tế thế giới đang có sự cơ cấu lại, chuyển dịch để tăng tốc sau dịch. Qua lũ lụt, nếu không được hỗ trợ phù hợp sẽ khiến nhiều người dân miền Trung sẽ bị bần cùng hóa, do đó Chính phủ cần hỗ trợ mạnh mẽ để khôi phục kinh tế miền Trung.
Thảo luận về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai bày tỏ còn “nhiều băn khoăn”. Trong đó, đại biểu cho rằng, dù có giải pháp trồng rừng thay thế nhưng rừng tự nhiên có khả năng giữ đất, nước, bảo vệ môi trường mà rừng trồng khó lòng thay thế. Theo đại biểu, nếu bấm nút thông qua hai dự án này, đại biểu đề nghị làm rõ, thuyết phục tính khả khi của giải pháp bảo vệ môi trường.
Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận trực tiếp về hình kinh tế -xã hội năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội những năm tiếp theo vào ngày 03/11/2020. Tại phiên thảo luận này, thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội phát biểu một số vấn đề liên quan.