Cát Hải: Giải tỏa lồng bè tiến tới thương hiệu du lịch “Cát Bà xanh”

Vĩnh Quân - Hải Yến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đạt thương hiệu du lịch “Cát Bà xanh”, huyện đảo Cát Hải, TP Hải Phòng đang thực hiện lộ trình giải tỏa lồng bè nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo du lịch Cát Bà.

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị có cuộc phỏng vấn ông Bùi Tuấn Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Cát Hải.
Trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà có 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Vĩnh Quân
Trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà có 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Vĩnh Quân

PV: Xin ông cho biết lộ trình huyện đang triển khai giải tỏa các lồng bè nuôi trồng thủy sản theo Nghị quyết đã đề ra của TP Hải Phòng.

Ông Bùi Tuấn Mạnh: Huyện đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tháo dỡ xong cơ sở nuôi cá lồng bè không đúng quy hoạch trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà trước ngày 31/12/2022.

Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Bùi Tuấn Mạnh. Ảnh: Hải Yến
Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Bùi Tuấn Mạnh. Ảnh: Hải Yến

Để thực hiện quy hoạch vùng nuôi trồng thuỷ sản, nhằm đáp ứng điều kiện cần thiết để UNESCO công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới, đồng thời xây dựng thương hiệu du lịch “Cát Bà xanh”, TP Hải Phòng đang triển khai giải tỏa lồng bè nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo du lịch Cát Bà.

Trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà có 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản với 516 nhà chòi, 8.216 ô lồng, 58.790m2 giàn nuôi nhuyễn thể không phù hợp quy hoạch, ảnh hưởng tới môi trường, cảnh quan khu du lịch. Tại các cơ sở nuôi thủy sản lồng bè có 1.298 nhân khẩu thường trú, tập trung tại các vịnh: Cát Bà, Lan Hạ, Bến Bèo, Trà Báu và Gia Luận để nuôi cá song, cá giò, cá vược, cá chim, cá hồng cùng những loài nhuyễn thể như tu hài, ngao hai vòi, hàu...

Trong đó, cơ sở nuôi có chủ là người hộ khẩu ở Hải Phòng là 371, chủ cơ sở là người không có hộ khẩu Hải Phòng là 69.

Trên cơ sở đề xuất của UBND huyện Cát Hải, ngày 12/8 tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP Hải Phòng khóa XVI, các đại biểu dự họp đã thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ khi thực hiện tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải.

Việc tháo dỡ đang gặp nhiều khó khăn khi lượng thủy sản chưa tiêu thụ trên các cơ sở còn rất lớn. Ảnh: Vĩnh Quân
Việc tháo dỡ đang gặp nhiều khó khăn khi lượng thủy sản chưa tiêu thụ trên các cơ sở còn rất lớn. Ảnh: Vĩnh Quân

Theo Nghị quyết 05/2021/NQ-HĐND TP Hải Phòng về quy định hỗ trợ thực hiện tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải: Về hỗ trợ mặt kiến trúc mức hỗ trợ là 19.857.983 đồng/nhà chòi; 4.836.000 đồng/ô lồng nuôi cá; 89.008 đồng/m2 giàn nuôi nhuyễn thể.

Đối với sản phẩm nuôi là cá, mức hỗ trợ đối với các ô lồng nuôi cá tháo dỡ trước ngày 1/1/2022 là 25.000 đồng/m3. Từ 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 là 12.500 đồng/m3. Đối với sản phẩm nuôi là nhuyễn thể, hỗ trợ đối với các giàn nuôi nhuyễn thể tháo dỡ trước ngày 1/1/2022 là 12.500 đồng/m2. Ngoài ra, hỗ trợ hộ gia đình là chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản bị tháo dỡ sinh sống trên các cơ sở nuôi trồng thủy sản trước ngày 1/7/2021 là 6.480.000 đồng/nhân khẩu.

PV: Xin ông cho biết những nỗ lực huyện đã làm được trong thời gian qua trong quá trình giải tỏa các lồng bè trên địa bàn.

Ông Bùi Tuấn Mạnh: Trong số 435 cơ sở nuôi trồng thủy sản xét hưởng các chính sách theo Nghị quyết 05/2021/NQ-HĐND TP Hải Phòng lập phương án hỗ trợ, thẩm định, huyện phê duyệt 429 cơ sở; 6 cơ sở tự tháo dỡ trong quá trình thực hiện. Huyện Cát Hải thực hiện chi trả tiền hỗ trợ 286/440 cơ sở (đạt 65%).

Trong đó có 245 cơ sở được chi trả hỗ trợ để tháo dỡ hoàn toàn, 35 cơ sở chi trả hỗ trợ tháo dỡ từng phần và 6 cơ sở tự tháo dỡ không nhận hỗ trợ. Đến ngày 3/10, có 280/440 số cơ sở đã tháo dỡ (đạt 63,6%). Về công tác hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, từ khi thực hiện Nghị quyết 05/2021/NQ-HĐND TP Hải Phòng đến ngày 29/9/2022, huyện Cát Hải hỗ trợ tiêu thụ khoảng 2.320,8 tấn sản phẩm.

Việc tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản hiện gặp nhiều khó khăn khi lượng thủy sản chưa tiêu thụ trên các cơ sở còn rất lớn.

Tiến độ ban hành Đề án nuôi trồng thủy sản của UBND TP Hải Phòng còn chậm, ảnh hưởng đến việc bố trí sắp xếp và giao khu vực biển đối với các cở sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện.

Các cơ sở nuôi cá lồng, bè không đúng quy hoạch trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Ảnh: Vĩnh Quân
Các cơ sở nuôi cá lồng, bè không đúng quy hoạch trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Ảnh: Vĩnh Quân

Số lượng cơ sở đăng ký tái nuôi trồng thủy sản và đóng mới bè khả năng cao sẽ dồn vào các tháng cuối năm nên khó khăn trong việc hướng dẫn, giám sát đóng bè đảm bảo tiến độ.

Các đơn vị cung ứng vật tư để thi công (vật liệu nâng nổi, bể phốt...) gặp khó khăn trong việc tìm, thuê kho bãi tại khu vực Bến Bèo để tập kết sản phẩm nhằm đáp ứng khu cầu của các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản.

PV: Theo yêu cầu của UBND TP Hải Phòng, đến 31/12/2022, huyện Cát Hải phải thực hiện tháo dỡ xong các cơ sở nuôi cá lồng, bè không đúng quy hoạch trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Thời gian tới UBND huyện dự kiến sẽ thực hiện như thế nào?

Ông Bùi Tuấn Mạnh: Thời gian tới, huyện Cát Hải sẽ tiếp tục duy trì và vận động tiêu thụ sản phẩm thông qua các đầu mối, tổ chức trong và ngoài huyện, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ vận động cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tiêu thụ sản phẩm cho cơ sở nuôi trồng thủy sản.

Tuyên truyền vận động vào nhóm các chủ cơ sở không có hộ khẩu thường trú thuộc địa bàn huyện. Trọng tâm vào các nội dung về trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện; mốc thời gian hiệu lực của Nghị quyết 05 mà các chủ cơ sở phải chấp hành.

Vận dụng giải pháp khuyến khích các chủ cơ sở đóng mới (theo phương án 1) sẽ được ưu tiên tạo điều kiện về vị trí neo đậu nếu cam kết thu mua sản phẩm của một trong các cơ sở không có hộ khẩu thuộc huyện. 

Vận động chủ cơ sở nuôi nhuyễn thể bằng giàn tre (khu Áng Kê-Ghẹ Gầm, Thoi Quýt) tích cực thực hiện việc bàn giao các diện tích giàn tre đã thu hoạch hết sản phẩm để tháo dỡ phấn đấu xong trước 1/12/2022.

Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung đề ra trong Kế hoạch số 02/KH-UBND, ngày 04/01/2022 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 12/8/2021 của HĐND TP Quy định hỗ trợ tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà trong năm 2022.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND TP, huyện tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; lập hồ sơ, tổ chức cưỡng chế đối với các cơ sở NTTS không được cơ quan có thẩm quyền cho phép trong 3 tháng cuối năm 2022.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần