Cần học và yêu lịch sử nước nhà

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Dân ta phải biết sử ta” - đó là lời mở cuốn Sử Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ra để giác ngộ đồng bào trong ngày đầu cách mạng.

Vậy mà vừa qua, các học sinh một trường THPT chia sẻ rằng không thích học Sử, không thích thi tốt nghiệp môn học này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tại sao vậy? Tôi nay đã cao tuổi, có đôi lời băn khoăn: Tại sao thời trẻ chúng ta ham mê học Lịch sử mà bây giờ con cháu ta lại không thích học môn Lịch sử? Vì sao sách Lịch sử của ta nhạt nhẽo, không được mọi người đón nhận?

Thời trẻ, chúng tôi được các thầy dạy Lịch sử qua từng thời đại, mỗi thời đại đều có các tấm gương chính trực, trung nghĩa. Học sinh nuốt từng lời thầy giảng, ai cũng mong ước như các trung thần, liệt nữ để được lưu danh trong lịch sử, xứng đáng con cháu Lạc Hồng. Tôi nhớ những năm 1950 khi quân Pháp đánh chiếm Liên khu Ba, tại ngôi trường của tôi, quân Pháp chỉ bắt thầy giáo dạy Lịch sử bởi thầy đã dạy học sinh lòng yêu nước.

Ngày nay, các tác giả viết sách dạy Lịch sử theo một phương pháp mới. Đọc các sách bồi dưỡng giáo viên do Đại học Sư phạm xuất bản mấy năm trước, ta có cảm giác những sách đó như sách bồi dưỡng “chính trị lịch sử học”. Các thời điểm lịch sử, người viết sách chú trọng về hoàn cảnh chính trị, kinh tế - xã hội, mà không cho biết trong thời đại đó có con người nào, triều đại nào, điều gì nổi bật? Cái sự mù mờ đó đem bồi dưỡng cho giáo viên, sau đó con cháu ta được các thầy cô “dạy dỗ” cũng “mù mờ”, nên chúng không hiểu, không yêu, không thích môn Lịch sử. Đọc bài viết “Phải viết lại sách giáo khoa lịch sử” trên báo Kinh tế & Đô thị số ra ngày 10/11, tôi hiểu thêm rằng những người yêu nước thương nòi lại là những người quan tâm đến lịch sử.

Một nguyên nhân khác, có ai chú ý đến sự quan trọng khi viết sách Lịch sử để dạy học? Theo tôi, lịch sử của nước là lịch sử nhiều làng, nhưng lịch sử làng đã bỏ quên nhiều chi tiết thì làm gì có lịch sử Nhà nước để các học sinh ham đọc, ham học?

Để “dân ta phải biết sử ta”, chúng tôi mong các sử gia khi làm Sử phải trung thực, các nhà viết Sử phải đổi mới cách viết về lịch sử nước nhà. Chúng ta không thiếu cách dạy học sinh về sự tiến hóa của đất nước, đừng đem quan điểm trùm lên lịch sử vì mỗi thời điểm đều khác nhau. Con em chúng ta là người Việt Nam, hãy dạy kỹ cho chúng về lịch sử nước nhà. Tình trạng mù mờ về lịch sử hiện nay có lỗi của người lên đề án và viết sách dạy Lịch sử.

Nếu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ta không động viên toàn quân, toàn dân với lòng tự hào lịch sử, lòng tự trọng của dân tộc Việt Nam mà quyết tâm đánh Mỹ giành thắng lợi, thì đã bị Mỹ đẩy chúng ta trở lại thời kỳ đồ đá. Cho nên Lịch sử vẫn là môn học thiết yếu. Phải dùng Lịch sử để giáo dục thế hệ trẻ tinh thần dân tộc và nâng cao lòng yêu nước, chúng ta mới đứng vững.

Tôi xin phép dùng lời của GS Phan Huy Lê: “Muốn dạy Lịch sử hiệu quả phải thay đổi rất căn bản” để kết bài này.            

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần