Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần làm rõ Công ty cổ phần Thép Vạn Lợi vì sao thua lỗ?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 9 năm nay, có gần 49.000 doanh nghiệp (DN) đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, ngừng nộp thuế. Trong đó, phá sản, giải thể là 5.800 DN, khoảng 11.500 DN ngừng hoạt động và 31.500 DN ngừng nộp thuế.

Như vậy, bình quân một quý có trên 12.000 DN giải thể, phá sản,ngừng hoạt động, ngừng nộp thuế. Với tốc độ này, dự báo cả năm 2011 số DN lâm vào tình trạng như trên có thể chiếm tới 10% trong tổng số 600.000 DN cả nước hiện nay.

Trong nền kinh tế thị trường, chuyện DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động là chuyện bình thường, nhưng  có những  công ty trước đó từng được coi là những “ông lớn” trong lĩnh vực mình hoạt động nhưng nay lại tuyên bố nợ đọng, tài sản biến mất một cách bất thường... Đơn cử như  Công ty cổ phần Thép Vạn Lợi  khi xuất hiện trên sàn OTC, quy mô Vạn Lợi được "vẽ" với 14 doanh nghiệp thành viên, "doanh số khoảng 10.000 tỷ đồng/năm và sẽ đạt 1 tỷ đôla vào năm 2012.  Đây là một trong những doanh nghiệp Thép lớn nhất đất nước. Thế nhưng,  đến nay, Công ty cổ phần Thép Vạn Lợi (Hải Phòng) phải ngừng sản xuất, hàng nghìn lao động hiện không có việc làm, phải nghỉ việc, bị nợ lương... Có thông tin  DN này  còn nợ cả tiền điện hơn hàng chục tỷ đồng , từng bị ngành điện cắt điện và nợ Bảo hiểm xã hội...

Do vậy, vào ngày 18/10/2011, Công ty Cổ phần Thép Vạn lợi tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để thảo luận và thông qua báo cáo tài chính của công ty. Qua đây, DN này sẽ thông qua việc bán tài sản công ty để thực hiện việc trả các khoản nợ cho Ngân hàng và các chủ nợ. Đây là các khoản nợ hầu hết đã quá hạn.

Tại đại hội cổ đông bất thường này nhiều cổ đông bức xúc, vì tài chính của Công ty CP Thép Vạn Lợi  bị thất thoát lớn, hàng trăm tỷ đồng  “biến mất” không được giải thích rõ, có cổ đông còn đề nghị mời cơ quan công an vào xác minh...

Theo Cổ đông của DN này là bà Lê T. (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) cho biết tại báo cáo tài chính của công ty Cổ phần thép Vạn Lợi thì tổng giá trị hàng tồn kho bị thiếu được phát hiện sau khi trình kiểm kê hàng tồn kho nhưng chưa rõ nguyên nhân và  gía trị nguyên vật liệu bị thiếu khoảng 680  tỷ đồng (tính đến ngày 30/4/2011).  Tài sản bị thiếu với giá trị lớn hơn cả vốn điều lệ của công ty là 590 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là 187 tỷ đồng mà công ty không xác định đựơc nguyên nhân là không thể chấp nhận đựơc. Điều này đã cho thấy rằng ban lãnh đạo công ty đã làm thất thoát tài sản của DN và không hoàn thành trách nhiệm quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Trong đơn đề nghị làm rõ việc thất thoát tài sản của Công ty CP Thép Vạn Lợi, cổ đông của doanh nghiệp này khẳng định: Theo số liệu báo cáo tài chính được kiểm toán thì các tài sản của công ty (tài sản được hình thành từ vốn vay) đã được sử dụng được làm tài sản thế chấp cho các hợp đồng vay vốn ngắn hạn với ngân hàng. Với việc tài sản của công ty bị thiếu hụt với tổng giá trị hơn 680 tỷ đồng, thì nguồn tài sản đảm bảo khoản nợ vay ngân hàng bị thiếu hụt giá trị tương ứng. Theo số liệu báo cáo tài chính tại ngày 31/12/2010 ,thì giá trị tài sản bị thiếu hụt (không rõ nguyên nhân) khoảng 120 tỷ đồng, nhưng đến ngày 30/04/2011 thì giá trị tài sản bị thiếu lại tăng lên đến hơn  680 đồng. Như vậy, chỉ trong một thời gian bốn tháng đầu năm 2011, Ban lãnh đạọ công ty đã để thất thoát hơn 560 tỷ đồng nhưng lại không rõ nguyên nhân. Với giá trị tài sản bị thất thoát lớn hơn cả vốn điều lệ và vốn sở hữu của Công ty thì Hội đồng quản trị đã làm mất hết toàn bộ tài sản của các cổ đông.

Lãnh đạo một công ty kiểm toán cho rằng: Trách nhiệm của người quản lý công ty là thực hiện các quyền và  nhiệm vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp tối đa của công ty và cổ đông của công ty. Nếu đúng như lãnh đạo của Công ty CP Thép Vạn Lợi để thất thoát tài sản của công ty hơn 680 tỷ đồng thì rõ ràng là ban giám đốc và Hội đồng quản trị của Công ty đã không hoàn thành trách nhiệm quản lý công ty. 

Còn luật sư  Phạm Quý Chuyên (Đoàn luật sư  Hà Nội) sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc nói trên cho biết: Việc làm thất thoát tài sản của công ty có giá trị lớn, thất thoát nhiều trăm tỷ như trên  không thể không làm rõ nguyên nhân và xử lý trách nhiệm của các cá nhân có liên quan. Do vậy các cơ quan chức năng cần xem xét và giải quyết sự việc trên. Bởi lẽ  việc thất thoát tài sản lớn này có dấu hiệu của hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”   “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.