Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần làm từ gốc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Quy định thí sinh (TS) được phép mang máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng thu (không phát) áp dụng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm ngoái đã không nhận được sự đồng tình của những người làm giáo dục.

 Năm nay, quy định này lại được Bộ GD&ĐT đưa vào quy chế thi tốt nghiệp THPT, khiến dư luận càng thêm bức xúc. Dư luận cho rằng, lẽ ra nên giáo dục đạo đức, hướng dẫn TS học và thi thực chất, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức của người thầy, Bộ lại nghĩ ra cách "chống" tiêu cực một cách thiếu khoa học và thiếu tính nhân văn.

Thiết bị… "làm khó" giám thị    

Quan điểm của Bộ GD&ĐT khi đưa vào quy chế thi quy định TS được phép mang máy ghi âm, ghi hình có chức năng thu (không phát) vào phòng thi là tạo ra sự giám sát hai chiều giữa giám thị và TS. Nếu xét trên lý thuyết thì việc này góp phần làm “trong sạch” các kỳ thi, tuy nhiên, nhìn ở góc độ của những người làm nghề giáo và thực tế, phương án trên nảy sinh nhiều bất cập, nếu không muốn nói có thể gây rối cho việc thi cử.

Cần làm từ gốc - Ảnh 1

Các thí sinh cần thực hiện nghiêm túc quy định khi vào phòng thi. Ảnh Viết Thành

Hầu hết giáo viên, những người đã từng làm giám thị đều không đồng tình với quy định này, vì nó gây khó cho giám thị nhiều hơn là tạo điều kiện cho họ làm nhiệm vụ. NGƯT Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Wellspring bày tỏ: "Thứ nhất, TS đến là để làm bài cho tốt, chứ không phải ngồi loay hoay với máy ảnh, máy ghi. Thứ hai, không phải giám thị nào cũng kiểm tra, nhận biết được các loại máy ảnh, máy ghi âm có thu, phát và nhận tín hiệu từ ngoài vào được hay không. Không có nghiệp vụ, khó có thể nhận biết được". Thực tế các kỳ thi trước cho thấy, nguyên chuyện cho TS mang máy tính trong buổi thi môn Toán, Lý, Hóa đã hết sức phức tạp, chứ chưa nói đến chuyện máy ghi âm, ghi hình. Trong thời buổi công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, dù các giám thị đã được tập huấn, dù ngày 26/5, Bộ đã ra thêm văn bản hướng dẫn tới các Hội đồng coi thi, giám thị và TS cách nhận dạng các loại thiết bị được phép mang vào phòng thi nhưng vấn đề không hề đơn giản.

Ở một khía cạnh khác, từ góc độ của nhà giáo, góc độ của đạo lý, dường như quy định này cũng "bất ổn". Từ trước tới nay, chỉ có chuyện giáo viên giám sát học trò trong thi cử chứ chưa có chuyện "ngược" là để học trò giám sát nhiệm vụ của thầy cô? Không phủ nhận sự bình đẳng trong môi trường giáo dục, song nên dừng lại ở mặt trao đổi kiến thức và tranh luận bài vở, lối sống. Còn cách giám sát "ngược" thầy cô ở quy định này sẽ mang lại những hiệu ứng không tích cực. Cô giáo Nguyễn Thị Tâm (Sóc Sơn, Hà Nội) không khỏi "động lòng" vì những giáo viên khi được lựa chọn đi coi thi phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về tư cách đạo đức, phải gương mẫu, có ý thức. "Để HS mang thiết bị vào giám sát giám thị là thái quá, theo tôi sẽ xảy ra 2 trường hợp: Thứ nhất, những TS học kém, hiếu động, vào phòng thi quấy rối, quay cóp, quay thầy cô để thỏa mãn tính hiếu động. Thứ hai, có sự sắp xếp, xúi bẩy, vì một động cơ nào đó, có thể động cơ cá nhân. Vấn đề nữa, GV đi làm giám thị đã được quán triệt tinh thần ngay từ đầu. Không ai dại gì mà đánh đổi cả sự nghiệp của mình vì những điều trái quy định" - cô Tâm thẳng thắn.

Hiệu ứng ngược

*"Năm nay TS được mang thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng không có khả năng phát, nhận thông tin. Đây cũng là áp lực với người làm công tác thi và coi thi. Theo tôi, HS đi thi là để làm bài, chứ không HS nào đi thi lại mang thiết bị vào phòng thi để làm việc khác. Cần hướng dẫn cụ thể đối với GV trong quy chế coi thi, tăng cường công tác thanh tra, đó là những tác động làm cho kỳ thi có chất lượng hiệu quả hơn".

Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức

*"Bộ nên quy định "mở" là trường nào có khả năng kiểm soát được máy ghi âm, ghi hình thì cho phép mang vào còn trường nào không kiểm soát được thì không cho phép. Như trường chúng tôi năm vừa qua không thể kiểm soát được vấn đề này nên đã quy định TS không được mang thiết bị vào phòng thi".

Ông Phạm Lê Hòa - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm nghệ thuật T.Ư

* "Mặc dù năm nay nhà trường không tổ chức thi mà chỉ tổ chức xét tuyển, song chúng tôi vẫn phản đối phương án của Bộ GD&ĐT. Tôi chưa thấy quốc gia nào trên thế giới cho phép TS sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình trong phòng thi cả. TS có nhiệm vụ đi thi, làm bài thi thật tốt. Bản thân cán bộ coi thi còn không được sử dụng điện thoại, huống chi TS lại sử dụng máy thu, ghi tùy tiện, gây lộn xộn trong phòng thi. Phòng thi nghiêm túc, tôn nghiêm chứ không phải như nơi công cộng, trong siêu thị để mà quay phim, ghi hình" .

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã - Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Trãi, Hà Nội

Không phải ngẫu nhiên mà NGƯT Đặng Đình Đại nhắc đi nhắc lại quan điểm: "Nhiệm vụ chính của TS là làm bài chứ không phải nhăm nhăm quay cảnh, ghi hình!". Nghĩa là quy định này có thể gợi ý, mở đường cho sự phân tán của TS khỏi bài làm của chính mình. Vậy có phải là đã tạo ra hiệu ứng ngược? Hơn nữa, như phân tích của TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, quy định này không ngăn chặn tiêu cực mà nó còn làm rối thêm tình hình. Nó cũng có thể gây ra sự bất ổn trong phòng thi, giữa TS với TS, giữa TS với giám thị. Trong trường hợp giám thị đang quan sát góc này, TS ở góc khác lại quay cóp, có thể TS cùng phòng khi nhìn thấy sẽ cho rằng giám thị “lơ” đi cho TS kia. Như vậy cũng không khách quan, tạo ra sự không trong sáng, giữa thầy và trò. Ông Lâm cũng không loại trừ khả năng từ quy định này sẽ có những TS vào phòng thi không vì mục đích làm bài thi. "Động cơ của Bộ muốn cho kỳ thi thật nghiêm túc, muốn cho mọi người có tính dân chủ, có quyền nêu ra những tiêu cực, quan điểm của mình. Tuy nhiên, động cơ tốt, nhưng cách làm chưa chắc đã là tốt" - ông Lâm thẳng thắn. Ông cho rằng, Bộ GD&ĐT đã không tính kỹ phương án này, vì bản thân Bộ cũng khó phân biệt được thiết bị một chiều nói gì đến giám thị.

TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh: "Kỳ thi năm 2012 mới chỉ có một "Đồi Ngô", Bộ xử lý đã quá vất vả rồi, năm nay với quy định này, liệu có thêm bao nhiêu "Đồi Ngô" được tung lên mạng? Sẽ không lường trước được hậu quả. Lẽ ra, nhà quản lý giáo dục, mà cụ thể là Bộ GD&ĐT nên hướng dẫn, giáo dục TS học tập cẩn thận, học nghiêm túc từ lớp 1,2... nghiêm túc ở các cấp học, để mang lại kết quả học tập, thực chất, chứ không phải mỗi kỳ thi lại nghĩ ra cách "chống" vi phạm một cách thiếu khoa học". Cùng chung quan điểm trên, PGS.TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng: "Chúng ta không nên lấy cực đoan chống cực đoan mà cần phải thay đổi tư duy giáo dục. Chống tiêu cực là chống ngay trong từng suy nghĩ, hành động của học sinh, giáo viên, nhà trường chứ không phải đến kỳ thi mới dùng các biện pháp mạnh để quán triệt TS vi phạm quy chế".

Năm nào ngành giáo dục cũng hối hả tuyên truyền, chuẩn bị, huy động hầu hết các cấp, ngành vào cuộc để phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thế nhưng, càng ngày xuất hiện thêm nhiều tiêu cực, vi phạm mới từ cuộc thi được chuẩn bị quy mô và không ít tốn kém này. Chính vì thế, nhiều người đặt vấn đề rằng, liệu động thái "giám sát" này của Bộ có phải chỉ đơn giản để đối phó với dư luận? Bởi áp vào thực tế sẽ thấy quy định rất phi thực tế và phi khoa học. Gốc rễ của vấn đề phải là giáo dục đạo đức để TS cảm thấy xấu hổ khi quay cóp, giáo dục kiến thức để TS tự tin khi đi thi, cũng như nâng cao đạo đức trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, người làm công tác quản lý, còn việc giám sát sai phạm để phát hiện chỉ là xử lý phần ngọn, và "chạy theo vi phạm". Không quá khi nói rằng, với quy định này, Bộ càng thể hiện rõ sự lúng túng và thậm chí bất lực trong tổ chức, quản lý các kỳ thi. Thời gian tuy không còn nhiều, nhưng có lẽ vẫn đủ để những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục, xem xét, điều chỉnh quyết định bất hợp lý này.