Cần loại bỏ tư tưởng bá quyền, nước lớn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 4/12, tại Hà Nội diễn ra hội thảo quốc tế “Xây dựng lòng tin ở châu...

Kinhtedothi - Sáng 4/12, tại Hà Nội diễn ra hội thảo quốc tế “Xây dựng lòng tin ở châu Á” do Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức.

Các đại biểu cho rằng, các nước trong khu vực cần tôn trọng lợi ích và quyền của nước khác, trên bình diện tôn trọng lợi ích khu vực.

Tư tưởng bá quyền cản trở lòng tin

Theo các học giả quốc tế, môi trường an ninh khu vực Đông Bắc Á hiện nay vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro bởi tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền biển đảo diễn ra gay gắt, đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa đơn phương và thái độ chính trị cường quyền nước lớn, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp phương hại đến hòa bình, an ninh.
Toàn cảnh hội thảo Xây dựng lòng tin ở châu Á. 	Ảnh: Trọng Nguyễn
Toàn cảnh hội thảo Xây dựng lòng tin ở châu Á. Ảnh: Trọng Nguyễn
Tư tưởng bá quyền chính là một trong những rào cản đối với việc xây dựng lòng tin ở khu vực, gây phương hại đến hòa bình khu vực, đơn cử như hành động đơn phương ở khu vực Biển Đông trong thời gian gần đây.

Các phát biểu tại hội thảo nhấn mạnh, muốn có hòa bình ổn định, trước hết phải xây dựng lòng tin giữa các nước trong khu vực, dựa trên việc hành động theo các quy định của luật pháp quốc tế. Ngoài ra mỗi nước còn phải tích cực và chủ động ngăn chặn tư tưởng bá quyền; tôn trọng lợi ích chính đáng của các quốc gia khác…

TS Nguyễn Thanh Minh - Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam đề xuất, một số giải pháp xây dựng lòng tin giữa các bên, trong đó có việc tôn trọng và chấp hành nghiêm túc các quy định của luật pháp quốc tế và các thỏa thuận khu vực. Đặc biệt là các bên có liên quan cần ký kết một văn bản cam kết không quân sự hóa Biển Đông.

Nước nhỏ tăng cường đoàn kết

Tiến sĩ Wiliam Choong - Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Singapore nhấn mạnh, trách nhiệm của các nước lớn trong xử lý các vấn đề chung và xây dựng các cấu trúc kinh tế, an ninh, chính trị phù hợp là rất nặng nề. Theo một số đại biểu, những nước lớn cần phải biết đặt vị trí của nước mình vào nước khác để hiểu rõ hơn mối quan hệ của nước đó trên bình diện lợi ích quốc gia với lợi ích chung của cộng đồng khu vực. Trong khi đó, các nước nhỏ và vừa cũng cần chủ động phát huy vai trò, ví dụ như các nước ASEAN, cần đoàn kết để có thể phát huy vai trò trung tâm trong giải quyết các vấn đề có liên quan tới an ninh, chính trị, kinh tế và văn hóa của khối cũng như từng quốc gia.

Về vấn đề này, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Fukada Hiroshi cho rằng, trong bối cảnh môi trường quốc tế có những biến đổi nhanh chóng, Việt Nam, Nhật Bản nói riêng, các nước trong khu vực nói chung cần nhìn nhận thẳng thắn và có các biện pháp cụ thể để giải quyết những căng thẳng theo luật pháp quốc tế, trên tinh thần hữu nghị, hợp tác và hòa bình.

PGS. TS Nguyễn Duy Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh quan hệ song phương cũng như đa phương đã có nhiều thay đổi, các quốc gia không chỉ mở rộng hợp tác mà còn cạnh tranh với nhau khá quyết liệt. Các mối quan hệ này ngày càng đa dạng, phức tạp, khiến cho cấu trúc khu vực nói chung, an ninh nói riêng càng khó đoán định. Trong bối cảnh như vậy, nếu thiếu lòng tin chiến lược thì sẽ không thể giải quyết các tồn tại, bất đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần