Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần một nền thể thao… ít cán bộ

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoàng Xuân Vinh - người vừa đi vào lịch sử với tư cách là vận động viên (VĐV) xuất sắc nhất của Thể thao Việt Nam (TTVN) tại đấu trường Olympic đã gióng lên một hồi chuông đầy tự trọng trong lần được gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Ngay sau khi Hoàng Xuân Vinh trở về từ Brazil, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp mặt người hùng của TTVN cũng như các VĐV vừa trở về từ Olympic Rio 2016. Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang xin Thủ tướng cân nhắc trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Hoàng Xuân Vinh vì chiến công đặc biệt mà anh đã tạo dựng.

Trước cơ hội có được vinh dự cao quý đó, Hoàng Xuân Vinh đã từ chối. Anh cho rằng, vinh quang mà mình có được là công sức của các huấn luyện viên (HLV), chuyên gia, các thế hệ VĐV và cả ngành thể thao trong nhiều năm, nhiều thế hệ. Và, xạ thủ này muốn được xin danh hiệu Anh hùng Lao động cho cả ngành thể thao.
Cần một nền thể thao… ít cán bộ - Ảnh 1
Khiêm tốn, biết trước biết sau, đó là những gì mà người ta nhận thấy thông qua cách hành xử của Hoàng Xuân Vinh. Được phong Anh hùng Lao động là một vinh dự lớn lao mà rất ít người có được. Nhưng, người hùng của TTVN đã biết gạt bỏ cái tôi, nghĩ đến những người đã góp phần gây dựng nên thành công của mình.

Hoàng Xuân Vinh không mưu cầu vinh quang cho bản thân. Đó là tấm gương tốt cho không chỉ ngành thể thao mà còn tạo ra hiệu ứng tích cực trong xã hội. Tuy nhiên, cũng cần phải quay trở lại những ồn ào đã từng xảy ra trong quá trình Thế vận hội 2016 khi báo chí nói quá nhiều về việc đoàn TTVN có 23 VĐV nhưng chỉ có 3 bác sĩ. Đáng nói, trong thành phần của đoàn có 11 cán bộ đoàn gồm: 1 trưởng đoàn, 9 cán bộ và 1 suất tùy viên báo chí.

Có quá nhiều cán bộ nhưng đoàn TTVN phải chứng kiến cảnh nhiều VĐV không có HLV như trường hợp của Văn Ngọc Tú (judo), Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang (cầu lông)… Nhiều môn thể thao có chuyên gia nước ngoài vốn theo sát các VĐV trong quá trình tập huấn nhưng phải ở nhà do không còn suất đến Brazil vì kinh phí hạn hẹp.

Ngành thể thao đã giải thích rất nhiều về việc có nhiều cán bộ và ít chuyên gia. Những người hữu trách nói rằng khối lượng công việc nhiều nên cần cán bộ giải quyết cũng như đảm bảo quyền lợi của đoàn TTVN. Thậm chí, họ cũng nói rằng, dù chỉ có 3 bác sĩ nhưng vẫn có thể xoay tua phục vụ 23 VĐV thi đấu. Thế nhưng, không ai phân tích, giải nghĩa một cách ngọn ngành xem việc thiếu HLV, chuyên gia ngoại có ảnh hưởng gì đến thành tích, tâm lý thi đấu của các VĐV? Rồi nữa, việc không có đủ bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, tâm lý có gây tổn thất gì cho đoàn TTVN?

Những cuộc tranh cãi thì sẽ không bao giờ dứt và không đi đến tận cùng vấn đề. Nhưng, có một điều, bản thân các nhà lãnh đạo của ngành thể thao phải xây dựng được tư duy quản lý mới. Các sự kiện lớn nên được dành cho các VĐV, các chuyên gia với mục tiêu cao nhất là nâng cao thành tích, cải thiện vị thế của TTVN. Nó khác hẳn với lối tư duy đến các sự kiện lớn để giải quyết chế độ cho các quan chức. Nếu còn tiếp tục hiện tượng các quan chức giành suất của huấn luyện viên, chuyên gia để tranh công khi có vinh quang thì sẽ chẳng bao giờ có được một nền thể thao chuyên nghiệp đúng nghĩa.

Vậy nên, từ tiếng chuông được gõ bởi người trong nhà Hoàng Xuân Vinh, các quan chức của ngành thể thao cũng cần phải soi lại tư duy quản lý và hành động của mình.