Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cân nhắc để sửa đổi

Khánh Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 8 hiệp hội DN và ngành hàng vừa có văn bản gửi Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan góp ý một số quy định trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, đang lấy ý kiến.

Khi nữ tới 55 tuổi, nam 60 tuổi sức khỏe giảm sút, khó đáp ứng được yêu cầu công việc. Ảnh: Thanh Hải
Khi nữ tới 55 tuổi, nam 60 tuổi sức khỏe giảm sút, khó đáp ứng được yêu cầu công việc. Ảnh: Thanh Hải

Trong đó đề xuất, bổ sung quy định tại Điều 106 trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi theo hướng: Người lao động được về hưu sớm theo nguyện vọng.

Theo Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, điều kiện về tuổi nghỉ hưu căn cứ theo lộ trình tăng của Bộ Luật Lao động năm 2019. Cụ thể, nữ tăng tuổi nghỉ hưu từ 55 tuổi lên 60 tuổi (mỗi năm thêm 4 tháng cho tới năm 2035), nam tăng từ 60 tuổi lên 62 tuổi (mỗi năm thêm 3 tháng cho tới năm 2028).

Tuy nhiên, trong văn bản của các hiệp hội DN và ngành hàng nói trên lý giải, thực tế đa số người lao động Việt Nam làm việc chân tay, nhiều người tham gia BHXH từ sớm, có thời gian đóng BHXH lâu, mức đóng cao.

Khi nữ tới 55 tuổi, nam 60 tuổi sức khỏe giảm sút, khó đáp ứng được yêu cầu công việc, nguy cơ mất việc làm cao. Nếu người lao động phải chờ đến đủ tuổi nghỉ hưu (nữ 60 tuổi, nam 62 tuổi) sẽ gặp khó trong việc đảm bảo cuộc sống.

Trên cơ sở đó, các hiệp hội DN và ngành hàng đề xuất: Với nữ từ đủ 55 tuổi, nam từ đủ 60 tuổi, khi đã tham gia BHXH từ đủ 15 năm; mức lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng BHXH, nhưng mỗi năm nghỉ trước tuổi so với quy định trừ 2% tỷ lệ hưởng lương hưu cho mỗi năm nghỉ trước tuổi. Ngoài ra, việc cho phép người lao động được lựa chọn thời gian nghỉ hưu sớm cũng tạo cơ hội việc làm cho người trẻ.

Cùng với đó, nếu đưa điều kiện nghỉ hưu trước tuổi như trên vào luật, NLĐ muốn nghỉ hưu trước sẽ bớt được thủ tục giám định sức khỏe, và áp dụng chung tới tất cả NLĐ thay vì nghỉ hưu sớm chỉ áp dụng với lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…

Thời gian qua, từ thực tế triển khai Luật BHXH cho thấy, nhiều NLĐ tiếp tục có ý kiến về những bất hợp lý khi cào bằng tuổi nghỉ hưu của lao động gián tiếp, lao động làm công tác quản lý với lao động trực tiếp.

Việc giảm tuổi nghỉ hưu mới có ý nghĩa, còn giảm năm đóng BHXH cũng không có tác dụng gì. Nếu như trước đây nam tuổi nghỉ hưu 60, nữ 55, nếu đóng 15 năm được hưởng 45%, nay đổi tới đổi lui tuổi hưu thành 62 cho nam và 60 cho nữ, số năm đóng quay về 15 năm, mức hưởng còn 35% theo dự thảo, nhiều người lao động cảm thấy tiền để trong quỹ càng lâu càng lỗ. Chính vì thế, thời gian qua, với tâm lý khó đợi đến tuổi nghỉ hưu, nhiều người lao động trực tiếp chọn lựa rút BHXH một lần. Thực tế này đang ngày càng phổ biến.

Mới đây nhất, đề xuất về tuổi nghỉ hưu giáo viên từ mầm non đến trung học cơ sở được nghỉ hưu ở độ tuổi nữ 55, nam 60 tuổi của đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội được đông đảo giáo viên đồng tình, và cho rằng đây là đề xuất hợp tình, hợp lý.

Qua đó, những kiến nghị trên của các hiệp hội DN cũng rất cần các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp tới cân nhắc, có ý kiến để có những quy định phù hợp với thực tế môi trường cũng như thị trường lao động hiện nay.