Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cân nhắc kỹ việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên

Đức Dinh - Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Tại cuộc họp về sản xuất và cung cấp vật liệu lát vỉa hè trên địa bàn Hà Nội mới đây, Sở Xây dựng cho biết, để đảm bảo tính đồng bộ, văn minh và sử dụng lâu bền công trình hạ tầng, TP yêu cầu lát vỉa hè, bó vỉa phải là vật liệu tự nhiên, kết cấu bền vững 50 - 70 năm tại 12 quận.

Theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, điểm tích cực khi đồng bộ lát vỉa hè bằng đá tự nhiên là sự bền đẹp, văn minh của bộ mặt đô thị trong tương lai. Tuy nhiên, phải nghiên cứu, xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng tính tối ưu về kỹ thuật, mỹ thuật, tránh lãng phí.
Phải gắn với hạ tầng kỹ thuật
Đề cập đến vấn đề này, lãnh đạo một số quận cho biết, đây là việc làm cần thiết, là tiền đề đồng bộ hóa hệ thống vỉa hè trên các tuyến đường, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Tuy nhiên, lãnh đạo một số phường, quận cũng cho rằng, để cuộc “cách mạng” về vỉa hè đem lại hiệu quả cao, lâu dài, các đơn vị có chức năng cần xem xét việc tạo sự đồng bộ giữa lòng đường và vỉa hè.
Ông Nguyễn Tiến Lộc – Phó Chủ tịch UBND phường Phương Liên, quận Đống Đa cho biết, hiện nay, trên nhiều tuyến đường, phần tiếp giáp lòng đường với vỉa hè chưa được đồng bộ, khấp khểnh, không ăn khớp với nhau. Do đó, rất nhiều hộ dân đã tự ý hạ cấp vỉa hè, hoặc tự ý xây dựng vỉa vát có độ thoai thoải hơn và lấn ra ngoài mặt đường. Không chỉ gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị, việc người dân tự ý bó vỉa vát còn gây cản trở dòng thoát nước và trở thành nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng mặt đường vào mùa mưa bão. Cũng theo ông Lộc, để khắc phục những tồn tại trên, khi triển khai lát đá vỉa hè, các đơn vị chức năng cần xem xét hạ cốt vỉa hè xuống điểm vát chéo dưới của bó vỉa vát trùng với lòng đường, không tạo gờ dưới của bó vỉa vát với mặt đường. Hoặc giữ nguyên vỉa hè nhưng nâng mặt cốt lòng đường (chỉ nâng phần rãnh tiếp giáp với vỉa vát) bằng điểm vát chéo dưới của bó vỉa vát.

Đá tự nhiên được lát trên phố Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng

Trong khi đó, góp ý về việc triển khai lát đá vỉa hè, lãnh đạo một số phường trên địa bàn quận Cầu Giấy, nơi đang triển khai hàng loạt dự án phát triển hạ tầng giao thông cho rằng, đối với những tuyến đường mới, tại những nơi phần hè đường không trực tiếp giáp với nhà dân như công viên, vườn hoa, các cơ quan công sở cần xem xét xây dựng các bó vỉa vuông cao từ 30cm trở lên. Bởi thực tế cho thấy, tại một số nơi dù đã lắp đặt bó vỉa vuông nhưng do chiều cao quá thấp nên một số người điều khiển phương tiện giao thông như xe máy, xe ba bánh, xe ô tô do thiếu ý thức vẫn cố tình di chuyển trên hè phố.
Thiết kế kiến trúc cảnh quan từng khu vực
TS. KTS Nguyễn Viết Huy - Giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch - Đại học Xây dựng nhận định, mặt lát vỉa hè chỉ là một phần rất nhỏ trong cấu tạo xây dựng vỉa hè. Về mặt cấu tạo kết cấu mà nói thì lớp vỏ này phụ thuộc vào rất nhiều kết cấu của các lớp vật liệu khác. Độ dày, mỏng của nó phụ thuộc hoàn toàn vào kết cấu của các lớp chịu lực. Về mặt kiến trúc cảnh quan thì lớp vỏ này lại có vai trò quan trọng tạo nên hình ảnh tổng thể cho cảnh quan mà các không gian vỉa hè đó tham gia. Như vậy có nghĩa vỉa hè phụ thuộc rất nhiều vào ý đồ thiết kế cảnh quan cũng như việc phối kết hợp với các vật liệu khác như nền đường, bó vỉa, các chi tiết kiến trúc đô thị. Màu sắc, chất cảm của lớp vật liệu lát mặt này đóng vai trò rất lớn tạo ra hình ảnh riêng của mỗi khu vực, do vậy không nên áp đặt việc lát tất cả vỉa hè 12 quận bằng một loại vật liệu. Về mặt cấu tạo hạ tầng hay một số kỹ thuật khác như thoát nước, thẩm thấu nước, khúc xạ và phản xạ ánh nắng mặt trời, độ trơn trượt của bề mặt... có thể khẳng định thêm bề mặt lát vỉa hè là quan trọng nên phải lựa chọn phù hợp cho từng loại vật liệu của từng khu vực. Đó là chưa tính đến các vấn đề kinh tế. Hãy tưởng tượng một khối lượng khổng lồ đá tự nhiên sẽ sử dụng để lát vỉa hè cho toàn TP thì chi phí sẽ lớn thế nào? Chưa nói đến khối lượng các núi đá sẽ bị khai thác phục vụ cho việc đó sẽ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và môi trường nơi khai thác.
“Vậy, vấn đề là chúng ta được gì? Đẹp ư? Chưa hẳn, cái đẹp cần sự kết hợp hài hoà giữa các yếu tố trên một tổng thể thống nhất. Bền vững ư? Cũng không hẳn, do lớp vỉa hè bền hay không hoàn toàn phụ thuộc vào kết cấu chịu lực của các lớp bên dưới đỡ nó. Hơn nữa, sự bền vững là việc sử dụng các yếu tố theo đúng chu kỳ và tuổi thọ của yếu tố đó. Với các nước phát triển, đặc biệt là ở Pháp, việc lát vỉa hè phụ thuộc hoàn toàn vào hồ sơ thiết kế kiến trúc cảnh quan đô thị. Đối với mỗi khu vực khác nhau sẽ có những lựa chọn khác nhau về màu sắc, chất liệu, độ cảm cho vật liệu. Và lớp vỏ lát vỉa hè không nằm ngoài các yếu tố đó. Như vậy có thể nói, để việc lát vỉa hè có hiệu quả cao, hãy bắt đầu với việc nghiên cứu, thiết kế kiến trúc cảnh quan cho từng khu vực” - KTS Nguyễn Viết Huy nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, theo KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, vấn đề lát đá ở vỉa hè đã được đặt ra từ lâu. Sau năm 1999 khi có quy chế quản lý khu phố cổ đã từng bàn về việc lát đá trên toàn bộ khu vực phố cổ nhưng không thành công. Bởi vì mục tiêu muốn lát đá trên các tuyến phố phải đáp ứng yêu cầu sử dụng đầu tiên, tiếp theo là yêu cầu kỹ thuật, mỹ quan. Yêu cầu sử dụng là gì? Tất cả hơn 1.000 tuyến phố tại Hà Nội thì mỗi tuyến phố có một đặc trưng. Có tuyến phố thể hiện diện mạo mới hiện đại Thủ đô. Nhưng có tuyến phố truyền thống gắn với địa danh lịch sử. Vì vậy không nên đổ đồng loạt các tuyến phố để xử lý vỉa hè. Về vật liệu lát trên vỉa hè là vấn đề được ngành giao thông công chính nghiên cứu lâu dài với ứng dụng khác nhau như gạch terrazzo, gạch block… Tuy nhiên, lát vật liệu nào cần gắn với đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, chứ không phải chỉ có vỉa hè. Vật liệu lát các tuyến phố phải đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế và người dân tán thành. Các tuyến phố hiện nay chủ yếu phục vụ kiến trúc cảnh quan nhưng có những tuyến phố phục vụ đi bộ, lối ra vào các công trình dịch vụ thương mại công cộng với cao độ khác nhau: Dốc, phẳng hay nằm ven cảnh quan như khu vực hồ Hoàn Kiếm. Từ 4 nhóm lý do như vậy nhất thiết phải nghiên cứu phân loại các tuyến phố để chỉ định được các loại vật liệu thích hợp, chứ không nên áp đặt một loại vật liệu duy nhất cho các tuyến phố.

UBND quận Hoàn Kiếm vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc sử dụng vật liệu lát hè, chiều cao đỉnh bó vỉa, hào kỹ thuật một số tuyến phố trên địa bàn quận. Theo đó, đề xuất 2 phương án sử dụng vật liệu lát đá trên địa bàn. Thứ nhất, sử dụng đá xanh Thanh Hóa, mặt được tạo nhám và có chiều dày tối thiểu khoảng 5cm. Tuy nhiên, theo UBND quận Hoàn Kiếm, quá trình sử dụng thường bị mài mòn, trơn trượt nên chưa thực sự phù hợp. Phương án thứ hai, sử dụng gạch bê tông giả đá (gạch tương tự như gạch terrazzo) là cơ bản phù hợp. Gạch dày 4cm, màu sắc giả đá đáp ứng về mặt mỹ quan tuyến phố, đồng diện màu sắc hè và lòng đường.


Lát đá vỉa hè là một giải pháp về chỉnh trang đô thị nhưng quan trọng hơn, mục tiêu của nó là gì? Nếu các tuyến phố chỉ phục vụ cho việc đi bộ và kinh doanh thì giải pháp về chất lượng đá, độ dày, kết cấu nền sẽ rất khác với việc vẫn sử dụng giao thông hỗn hợp như hiện nay. Tùy theo khu vực mới nên lát đá hay không vì chỉ đi bộ thì đá rất lâu mới hỏng nhưng ôtô, xe máy đi lên thì sẽ chỉ vài năm là vỡ hết. Còn nếu có lát đá vỉa hè đồng bộ thì chỉ nên chọn những tuyến đường có hạ tầng hoàn chỉnh như tại khu vực quận Ba Đình, Hoàn Kiếm… để thực hiện, chứ không phải đường nào cũng làm được. Do đó, kế hoạch thực hiện cần cân nhắc kỹ và thống nhất được việc quản lý đô thị với các ban, ngành liên quan cùng quản lý như giao thông, điện, nước, chiếu sáng, viễn thông.
KTS Nguyễn Đức Phổ - Công ty CP Kiến trúc Việt