Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cân nhắc “liều lượng” tăng trưởng và lạm phát

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau 2 tháng tăng tương đối cao (tháng 1 tăng 1,25%, tháng 2 tăng 1,32%) do nhu cầu tăng trong Tết cổ truyền, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 đã giảm xuống (giảm 0,19%) và tháng 4 tăng thấp so với tháng 3 (tăng 0,02%).

Tháng 4 năm nay cũng là tháng tăng nhẹ nhất so với tháng 4 trong 10 năm qua (tính từ năm 2004). Đáng lưu ý, CPI tháng 4 ở 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp (Hà Nội giảm 0,15%, TP Hồ Chí Minh giảm 0,3%).


Cân nhắc “liều lượng” tăng trưởng và lạm phát - Ảnh 1

CPI tháng 4 tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng của người dân bị thu hẹp.Ảnh: Đức Giang


Đầu tư và tiêu dùng co lại

Tính chung 4 tháng năm nay, CPI chỉ tăng 2,41%, đây là tốc độ tăng thấp thứ 2 so với cùng kỳ tính từ năm 2002 đến nay (sau năm 2009) và thấp chỉ bằng một nửa tốc độ tăng bình quân của 4 tháng cùng kỳ trong 11 năm trước đó (tăng 4,65%).

Đáng chú ý, CPI tăng thấp trong 4 tháng đầu năm không chỉ là tin vui đối với người tiêu dùng nói chung, mà còn là tin vui lớn của những người nghèo, người có thu nhập thấp, người bị thất nghiệp và thiếu việc làm do cơ sở kinh tế bị ngừng hoạt động, giải thể  hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh, bởi lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng gần 40% trong tổng chi tiêu dùng của những đối tượng trên. Tiền thuê nhà ở, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng chậm trong khi giá dịch vụ bưu chính viễn thông tiếp tục giảm. Đây cũng là tín hiệu để các nhà hoạch định chính sách vĩ mô yên tâm hơn trong việc quản lý, điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, giá cả; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường do hiệu ứng phụ của các giải pháp kiềm chế lạm phát trước đây.

CPI tăng thấp trong 4 tháng đầu năm 2013 do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân quan trọng do đầu tư và tiêu dùng bị co lại. Vốn đầu tư/GDP đã giảm nhanh từ trên 40% trước 2011, xuống dưới 40% trong năm 2011, 2012 và quý I năm nay còn dưới 30%. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (sau khi loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng) quý I chỉ tăng 4,5%, vừa thấp hơn tốc độ tăng GDP, vừa thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Có nguyên nhân do giá xuất khẩu, giá nhập khẩu quý I năm nay so với cùng kỳ năm trước tính bằng USD đều giảm (giá xuất khẩu giảm 4,32%, giá nhập khẩu giảm 2,82%), trong khi tỷ giá VND/USD cơ bản ổn định trong thời gian tương đối dài. Có nguyên nhân từ tháng 3 đã nhập siêu trở lại (tính từ đầu năm đến 15/4, đã nhập siêu 941 triệu USD, trong đó riêng nửa đầu tháng 4 đã nhập siêu tới 1.217 triệu USD)…
 
Cân nhắc “liều lượng” tăng trưởng và lạm phát - Ảnh 2


CPI tháng 4 tăng nhẹ một phần do người dân thắt chặt chi tiêu.Ảnh: Bảo Đức

Nhiều điểm nghẽn cần được khơi thông

Mặc dù CPI tính chung 4 tháng thuộc loại tăng thấp, nhưng chưa thể chủ quan, lơ là với lạm phát, bởi trong 8 tháng tới có những yếu tố làm tăng CPI. Những yếu tố này bao gồm cả ở trong nước và ở cả ngoài nước.Ở trong nước, có nhiều yếu tố. Đầu tiên phải nói tới yếu tố nới lỏng chính sách tài khoá và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường nhằm khắc phục các điểm nghẽn lớn nhất hiện nay (nợ xấu tồn kho, bất động sản), nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn. Muốn vậy, cần phải có một lượng vốn lớn thông qua việc cắt giảm, giãn hoặc các khoản thu, cấp bù lãi suất mua tạm trữ, tăng lương tối thiểu, giảm lãi suất cho vay, giảm lãi suất huy động, tăng trưởng tín dụng... Yêu cầu của việc tái cơ cấu, thực hiện 3 đột phá chiến lược cũng đòi hỏi phải có lượng vốn không nhỏ. 

Bên cạnh đó, việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hoá, dịch vụ quan trọng tác động đến giá cả của nhiều loại hàng hoá, dịch vụ khác, cộng hưởng với yếu tố tâm lý kỳ vọng lạm phát mỗi khi điều chỉnh. Nếu thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, giữa T.Ư với địa phương và nếu không cẩn trọng về thời điểm, liều lượng điều chỉnh sẽ dễ làm cho lạm phát cao trở lại. 

Ngoài ra, CPI giảm còn có yếu tố do yêu cầu đầu tư và tiêu dùng tăng lên, thể hiện ở mức nhập trở lại trong tháng 3 và nửa đầu tháng 4 (đến 15/4 nhập siêu 941 triệu USD); Yếu tố tiềm ẩn, sâu xa của lạm phát là hiệu quả đầu tư, năng suất lao động hiện còn thấp; Yếu tố do diễn biến bất thường khó lường đoán của thiên tai, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi…Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế ở một số nền kinh tế lớn đã có dấu hiệu phục hồi hoặc mức độ suy thoái đã được chặn lại. Chính vì thế, yêu cầu tăng trưởng, cộng với sự nới lỏng chính sách tài khoá, tiền tệ của các nền kinh tế này sẽ làm cho giá cả hàng hoá tăng lên, kéo theo giá xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam tăng và giá cả ở trong nước tăng theo, nhất là nếu tỷ giá được điều chỉnh sẽ là một yếu tố kép. 

Trước thực tế giải pháp “thắt lưng buộc bụng” của nhiều nước đã có xu hướng nới lỏng thông qua các gói bơm tiền ra thị trường, duy trì lãi suất thấp để kích thích tăng trưởng... sẽ làm tăng giá nguyên nhiên vật liệu, kéo giá cả trong nước tăng theo. Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc “liều lượng” các giải pháp tài chính, tiền tệ để tăng trưởng hợp lý và kiềm chế lạm phát. Theo đó, nâng cao hiệu quả đầu tư và nâng cao năng suất lao động là biện pháp căn cơ, quan trọng hàng đầu, không chỉ góp phần kiềm chế lạm phát, mà còn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.