Đây cũng là đề tài “nóng” được bàn thảo tại buổi họp giao ban tháng 8 của Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/9.
Nỗ lực kiềm chế giá xăng dầu
Sau 4 lần liên tiếp tăng giá xăng dầu, hiện một số doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng, dầu lại tiếp tục xin tăng giá bán lẻ với mức tăng từ 1.000 - 1.300 đồng/lít. Mức tăng này đều đã được tính ngang bằng với mức lỗ hiện hành nhưng đã bao gồm khoản 300 đồng/lít lợi nhuận định mức. Vậy trong thời gian tới, liên Bộ Công Thương - Tài Chính có cho phép DN xăng dầu tăng giá tiếp hay không?
Giá điện, xăng dầu tăng liên tục đã gây thêm nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Huy Hùng
Tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức 10/9, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Những lần tăng giá trước đây, Bộ Công Thương đã cho phép DN kinh doanh xăng, dầu được sử dụng một phần Quỹ bình ổn giá. Tuy nhiên, trước việc các DN này tiếp tục xin tăng giá lần thứ 5 liên tiếp, bên cạnh việc tiếp tục cho phép DN được sử dụng Quỹ bình ổn giá, Bộ Công Thương cũng đang xem xét việc giảm một phần thuế nhập khẩu nhằm kiềm chế giá xăng, dầu không tăng quá cao.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2012 lượng xăng, dầu tạm nhập (TN) để tái xuất (TX) là 1,78 triệu tấn; Đến hết tháng 6, lượng xăng, dầu TX là 1,74 triệu tấn. Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng DN kinh doanh xăng, dầu lợi dụng chính sách để gian lận thuế, Chính phủ đã tạm dừng việc TNTX xăng, dầu qua đường biển. Ngoài ra, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đang tiếp tục xem xét lại các cơ chế chính sách để DN không thể lợi dụng hình thức trên, tiêu thụ trong nước để kiếm lợi, đồng thời, tăng cường các biện pháp chống buôn lậu và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trả lời việc một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, giảm thời gian bán hàng trước mỗi lần tăng giá xăng dầu, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Nguyễn Thanh Lam cho biết: Trong tháng 8 vừa qua có 220 cửa hàng cắt giảm thời gian hoặc ngừng bán hàng, trong đó có 136 cửa hàng ở 33 tỉnh, thành ngừng bán với lý do hết hàng do DN đầu mối không cung ứng kịp thời.
Để làm rõ việc đại lý có cố tình găm hàng chờ tăng giá hay chỉ nghỉ bán vì những nguyên nhân khác, Cục Quản lý thị trường đã yêu cầu 33 Chi cục Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra 136 cửa hàng trên, tập trung vào các nội dung sau: Hợp đồng bán lẻ từ đầu năm, hóa đơn xuất nhập xăng dầu, mức chiết khấu của đại lý, thời gian bán hàng... Ngoài ra, từ nay đến hết tháng 9/2012, Cục thành lập 2 đơn vị kiểm tra liên ngành gồm công an, quản lý thị trường, vụ thị trường trong nước đi kiểm tra toàn bộ hệ thống đại lý xăng dầu tại các tỉnh, thành.
Nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá do giá xăng, dầu tăng trong thời gian gần đây. Ảnh: Trần Việt
Điện chưa thể tăng giá
Điều khiến nhiều DN lo lắng là liệu giá điện có tăng trong tháng 9/2012 hay không khi giá xăng dầu đã liên tục tăng trong thời gian vừa qua.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), mặc dù giá điện đã được thực hiện theo cơ chế thị trường, nhưng mặt hàng này vẫn phải tuân thủ Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg, ngày 15/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc giá điện tại Việt Nam. Như vậy, phương án tăng, giảm giá điện trong những tháng tới phải tính theo giá thành sản xuất điện ở các khâu truyền tải, phát điện cả năm...
Bên cạnh đó, Quyết định 24 cũng đã nêu rõ bên bán điện được phép điều chỉnh giá tối đa 4 lần/năm, khoảng cách giữa 2 lần điều chỉnh giá điện liên tiếp tối thiểu là 3 tháng, lần điều chỉnh giá bán gần nhất là ngày 1/7, như vậy phải đến 1/10 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới được phép tính chi phí sản xuất 1kW điện thông qua 3 tiêu chí, gồm: Tỷ giá, giá nhiên liệu, cơ cấu sản lượng điện phát, nếu giá thành sản xuất có biến động lớn, từ 5% trở lên, ngành điện mới được phép điều chỉnh.
Bên cạnh đó, EVN là Tập đoàn Nhà nước nên ngoài nhiệm vụ kinh tế còn phải đảm nhiệm vụ chính trị, vì thế không thể tăng giá điện vào những thời điểm nhạy cảm. Việc điều chỉnh giá điện, còn phải cân nhắc làm sao để người dân chịu đựng được.
Như vậy, trong tháng 9/2012 điện sẽ không tăng giá bán.
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 8/2012 của Bộ Công Thương tổ chức chiều 10/9, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Theo kết quả mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa báo cáo về Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương cho thấy: Mức độ thấm của các khe đập của Thủy điện Sông Tranh 2 đã giảm đáng kể và quá trình chống thấm thực hiện tốt hơn dự kiến ban đầu do các nhà thầu đưa ra, cụ thể là phấn đấu giảm 80% nhưng kết quả giảm đến 99%.Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước của Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng đã trực tiếp kiểm tra kết quả chống thấm này. Theo kế hoạch ngày 12/9, Hội đồng sẽ có báo cáo kết quả cuối cùng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ vào đó, Thủ tướng sẽ chỉ đạo việc có tiếp tục cho tích nước Thủy điện Sông Tranh 2 hay không.
Tới đây, Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kiểm tra những phần liên quan đến phòng chống lụt bão, phối hợp với các địa phương kiểm tra các thủy điện nhỏ và có kết quả báo cáo Chính phủ trước ngày 15/9.
Nguyễn Linh
|