Cân nhắc việc công bố thí sinh liên quan đến gian lận thi cử tại Sơn La, Hòa Bình

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 26/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An đã chủ trì buổi họp báo định kỳ quý I năm 2019. Sau vụ việc gian lận thi cử tại Sơn La, Hòa Bình, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều biện pháp để phòng chống gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 sắp tới.

Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh cho biết, những gì mà Bộ GD&ĐT đã hứa trong xử lý gian lận thi cử tại Hòa Binh, Sơn La đã thực hiện được. “Quan điểm của Bộ là không dung túng cho sai phạm, xử lý nghiêm minh, xử lý đến cùng sai phạm theo đúng quy chế, quy định của pháp luật” – ông Trinh nhấn mạnh.  
Ông Trinh cho biết thêm, theo quy định, quy chế, kết quả chấm thẩm định là kết quả chính thức của bài thi, là điểm chính thức để sử dụng xét tốt nghiệp và xét vào các trường CĐ, ĐH, GD nghề nghiệp. Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn các trường ĐH, CĐ, Cục đào tạo Bộ Công an để xử lý vấn đề này theo hướng xử lý nhanh, gọn, không để ảnh hưởng không tốt đến các thí sinh khác. Ông Trinh khẳng định, quá trình điều tra và thẩm định được cơ quan chức năng thực hiện rất nghiêm túc.
 Toàn cảnh buổi họp báo 
Về vấn đề có công bố danh tính của các thí sinh và phụ huynh có vi phạm hay không, ông Trinh cho rằng, việc công khai danh tính của các thí sinh phải tuân thủ Hiến pháp, tuân thủ Luật Dân sự, tuân thủ những quy định của cơ quan điều tra. “Có công bố hay không, công bố đến đầu là quyền của cơ quan điều tra. Cần tính đến nhiều yếu tố khác, trong đó không thể không tính đến những tác động cực đoan đến học sinh” – ông Trinh cho hay.
Trước ý kiến một số phóng viên cho rằng, các quy định và văn bản pháp lý để xử lý những sai phạm, gian lận trong thi cử chưa được chặt chẽ, ông Mai Văn Trinh khẳng định, những văn bản hiện hành từ  năm 2017, 2018 đủ để xử lý những vi phạm này. Trong kì thi THPT quốc gia 2019 tới, Bộ GD&ĐT đã tăng cường vấn đề phòng chống gian lận trong thi cử. Những người tham gia vào kỳ thi nay phải hiểu đúng vai trò, đúng trách nhiệm và vị trí của mình.
Cụ thể, để hạn chế, bất cập đảm bảo tổ chức thi khách quan, an toàn, nghiêm túc, Bộ GD&ĐT điều động các trường ĐH, CĐ đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình. Quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, nhất là đối với các thí sinh tự do. Thống nhất quy trình, quy cách niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi tại Điểm thi và Hội đồng thi.
Bộ GD&ĐT sẽ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đảm bảo phòng, chống, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường chỉ đạo các sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ thực hiện nghiêm túc công tác lựa chọn, phân công cán bộ thực hiện các khâu của kỳ thi theo đúng quy định của quy chế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; phối hợp với các cơ quan, nhất là cơ quan Công an để tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện các gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao để đảm bảo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.
Đến nay, hệ thống phần mềm Quản lý thi và Phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được hoàn thiện, đã được tập huấn cho các sở GDĐT, các trường ĐH, CĐ và đã sẵn sàng hoạt động. Công tác đăng ký dự thi THPTQG 2019 sẽ được bắt đầu từ 1/4/2019.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần