Để ngân hàng (NH) và DN gặp nhau, ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, cần có sự nỗ lực từ hai phía, trong đó đặc biệt là bản thân DN phải minh bạch. Yếu tố quan trọng quyết định DN có tiếp cận được vốn hay không là quản trị nội bộ, nâng cao năng lực tài chính.
70% khó tiếp cận vốn
Trong tuần qua, liên tục có đến 2 hội thảo bàn về vấn đề tiếp cận vốn NH, trong đó tập trung vào giải pháp đẩy mạnh tháo gỡ các khó khăn của DNNVV. Xin ông cho biết thực trạng tín dụng của khối này hiện ra sao?
- Hiện nay, dư nợ vay của các DNNVV luôn duy trì ở mức khoảng 25% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế. Tính đến thời điểm 30/6/2015, dư nợ tín dụng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với DNNVV là 976.729 tỷ đồng. Tuy nhiên, số DN tiếp cận được nguồn vốn này không hoàn toàn thuận lợi và rộng khắp. Bên cạnh đó, các TCTD còn gặp khó khăn trong khâu thẩm định dự án, phương án sản xuất, kinh doanh của các DNNVV, khó khăn trong việc xử lý tài sản thế chấp, thu hồi nợ vay… khiến cho tín dụng bị hạn chế.
Với chỉ đạo chung của NHNN, tới đây, chính sách tín dụng tiếp tục tập trung hướng đến DNNVV, để làm sao tháo gỡ bằng được khó khăn cho DN, cũng là tháo gỡ cho các NH thương mại (NHTM) khơi thông nguồn vốn hài hòa vào các thành phần kinh tế.
NHNN tích cực phối hợp với UBND các tỉnh, TP triển khai chương trình kết nối NH - DN trên phạm vi toàn quốc. Tính đến cuối tháng 8/2015, tổng số tiền các NH cam kết hỗ trợ cho các DN theo chương trình đạt trên 458.000 tỷ đồng.
Dù vậy thì thực tế là các chuyên gia đều chỉ ra khả năng tiếp cận vốn NH của các DNNVV hiện nay rất thấp, chỉ khoảng 30%. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?
- Dù số DNNVV chiếm tỷ trọng lớn, nhưng các NH vẫn rất cẩn trọng với đối tác này. Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do nợ xấu gia tăng và năng lực cạnh tranh của DNNVV còn yếu kém không đủ điều kiện pháp lý theo quy định. Báo cáo tài chính thiếu minh bạch, không có nhiều tài sản bảo đảm nên các NHTM ngại rủi ro, chưa mạnh dạn tăng trưởng tín dụng với đồng loạt các DNNVV.
Như ông nói, một số DN không đủ điều kiện pháp lý do NH quy định, một số không đủ trình độ chuyên môn triển khai và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn. Nhưng cũng nên xem xét lại, những thủ tục vay vốn vẫn rườm rà, thời gian kéo dài làm mất thời cơ của DN, nên DN chưa khai thác được nguồn vốn này?
- Hiện nay, các DNNVV khó khăn trong tiếp cận tín dụng chủ yếu là do tính minh bạch thông tin tài chính còn thấp, phương án vay vốn mù mờ, không chứng minh được dòng tiền khả thi trong quá khứ cũng như hiện tại, không trả lời được doanh thu dự kiến và tiềm năng khách hàng truyền thống của DN... Điều này gây khó khăn cho NH trong việc thẩm định tài chính, làm kéo dài thời gian giải ngân... Việc tìm được những khách hàng đủ độ tín nhiệm tín dụng làm thỏa mãn các nhu cầu tối thiểu của một bộ hồ sơ chuẩn vay vốn rất khó khăn. DNNVV rất khó tiếp cận vốn NH chỉ vì thiếu năng lực tín nhiệm về trả nợ, không phải do các NHTM gây khó khăn, cửa quyền hay bắt chẹt bằng lãi suất cao…
NH bắt buộc các DNNVV phải có tài sản đảm bảo mới dám cho vay. Nhưng các DN này khó có đủ tài sản thế chấp. Các hình thức đảm bảo khoản vay bằng hàng hóa hay các tài sản khác BĐS chỉ mới được áp dụng với các khoản vay ngắn hạn. Điều này đã tạo ra vòng luẩn quẩn là DN cần vốn lại không vay được, trong khi NH có vốn nhưng khó giải ngân. Vì thế, để tạo điều kiện cho các DN, nhất là các DNNVV được vay bằng hình thức tín chấp (thay vì có tài sản thế chấp) vẫn là đề xuất của rất nhiều DN?
- Các NHTM có báo cáo với NHNN và chúng tôi cảm nhận, đa phần DN còn rất khó khăn, đặc biệt DNNVV. Do đó, NHNN đã chỉ đạo các NH phân tích tình hình tài chính của DN, hiểu rõ DN để cho vay tín chấp hoặc thế chấp một phần vì không có DN nào đủ tài sản thế chấp để vay vốn. NHNN đã chỉ đạo các NH đẩy mạnh hình thức cho vay tín chấp. Thậm chí còn mở rộng thêm một số hình thức cho vay không tài sản đảm bảo khác nữa.
Cho vay tín chấp chủ yếu dựa vào niềm tin của khách hàng và NH. Tuy nhiên, theo tôi biết, các NH không thể nhìn vào 1 - 2 tiêu chí mà nhìn vào tổng thể 10 - 12 tiêu chí. Trong đó gồm: Hoạt động kinh doanh thực tế, lịch sử trả nợ của DN… Tuy nhiên, các tiêu chí này không quá thách thức nếu DN cung cấp đầy đủ thông tin về tài chính một cách minh bạch và rõ ràng.
Không khó nếu DN lành mạnh và minh bạch
Các cơ chế và chính sách liên quan tới bảo lãnh vay vốn cho DN, nhất là các DNNVV hiện nay chưa được đẩy mạnh. Làm thế nào để đánh giá đúng tín nhiệm tín dụng của DNNVV, tăng khả năng tiếp cận thông tin, xây dựng uy tín cho DN, qua đó tăng khả năng hấp thụ được các hình thức tín dụng trên, thưa ông?
- Một trong những kênh thông tin quan trọng được coi là “ngân hàng thông tin” của các NH là hệ thống đánh giá tín nhiệm. Việc cung cấp tín dụng dựa trên xếp hạng tín nhiệm là một thông lệ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu DN được đánh giá tín nhiệm tốt, NH sẽ yên tâm rót vốn dù không có tài sản thế chấp. Xếp hạng tín nhiệm DN là một trong những giải pháp để ngân hàng kiểm soát nợ xấu tốt hơn và rút ngắn thời gian giải ngân. Tuy nhiên, với tình trạng minh bạch của DN Việt Nam hiện nay, NH vẫn còn e dè khi cho vay dựa vào xếp hạng tín nhiệm DN.
Ở Việt Nam, dù DN đã được kiểm toán thì độ trung thực của số liệu “vẫn thiếu và yếu”. Đây chính là rào cản lớn nhất để NH “mở két” cho vay theo hình thức tín chấp. Muốn tin phải hiểu. Tôi đề nghị các DN trong phạm vi của mình cố gắng, nỗ lực minh bạch. Nếu chúng ta làm ăn về lâu về dài thì cái căn cơ là phải đảm bảo tính bền vững, phải nghĩ tới 10, 20 năm. Bản thân các DN cần thể hiện được nỗ lực sử dụng đồng vốn hiệu quả, kiểm soát dòng tiền, tài chính một cách minh bạch nhằm hạn chế nợ xấu, tạo sự tín nhiệm đối với các TCTD. NHNN cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục, quy chế để đẩy mạnh việc cho vay tín chấp, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Xin ông cho biết, giải pháp để khơi thông nguồn vốn NH cho các DN nói chung và DNNVV nói riêng thời gian tới là gì?
- Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cả năm nay có thể đạt con số 15 - 17%. NHNN đã xây dựng và triển khai các giải pháp tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn NH một cách hiệu quả, như chỉ đạo các TCTD thực hiện miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, cho vay thí điểm theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp… Để NH và DN “gặp” nhau, các giải pháp của ngành NH chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi có sự phối hợp nhịp nhàng từ các cơ quan, bộ, ngành, hiệp hội và bản thân các DN.
Cụ thể, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa các chính sách hỗ trợ tài chính đối với DNNVV (sửa đổi, hoàn thiện cơ chế bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ vốn của Quỹ Phát triển DNNVV). Phát triển thị trường tín dụng dành cho DNNVV thông qua đa dạng hóa nhà cung cấp, hoàn thiện cơ chế quản lý và nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, các Quỹ tín dụng Nhân dân, để khuyến khích các tổ chức này có thể vươn đến nhóm khách hàng là các DN siêu nhỏ, DN hộ gia đình. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, UBND các cấp thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo chính sách hỗ trợ (như đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường pháp lý). Phía các các TCTD thì cần chủ động mở rộng tín dụng cho các DN trên cơ sở vừa đảm bảo hiệu quả, an toàn, xây dựng chính sách tín dụng riêng phù hợp với đối tượng khách hàng là DNNVV.
Thêm vào đó, các hiệp hội ngành nghề cần nâng cao vai trò, tầm ảnh hưởng của mình, làm cầu nối cho các TCTD và DNNVV tiếp cận nhau. Cuối cùng, bản thân các DN phải tự hoàn thiện, đổi mới cơ chế quản lý, điều hành DN, hoàn thiện hệ thống kế toán theo hướng minh bạch, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời duy trì cơ cấu tài chính cân đối, lành mạnh, quản lý chặt chẽ dòng tiền kinh doanh.
Xin cảm ơn ông!
Để giúp các DN gia tăng khả năng tiếp cận vốn từ NH, sự hỗ trợ của Nhà nước là quan trọng nhưng cần có sự nỗ lực từ cả hai phía. Các NH phải thay đổi danh mục tài sản đảm bảo; cải thiện quản trị rủi ro; đưa ra các giải pháp sáng tạo như đầu tư tư nhân và tài trợ giao dịch. Đồng thời, DN phải chủ động nâng cao năng lực quản trị, trình độ khoa học công nghệ cũng như chất lượng nguồn nhân lực, củng cố nguồn lực tài chính và quản trị cho các mảng sản xuất, kinh doanh chính, cũng như duy trì cơ cấu tài chính cân đối, lành mạnh, quản lý chặt chẽ dòng tiền kinh doanh.
Bà Trần Thị Hồng Hạnh Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
|