Tại phiên thảo luận, về cơ bản các ĐB tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật kinh doanh bất động sản (BĐS) và các luật có liên quan để tháo gỡ tình hình khó khăn của thị trường BĐS và nhất trí với những nội dung trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của QH.
Tuy nhiên, các ĐBQH cũng đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu để luật hóa những vấn đề đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn, cũng như xử lý những vấn đề vướng mắc tồn tại trong thực tế hiện nay của Luật kinh doanh BĐS, làm lành mạnh thị trường BĐS. Đồng thời, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật về dân sự, đất đai, nhà ở, xây dựng, đầu tư, quốc tịch...
Về các loại BĐS, các ĐB đề nghị xem lại quy định đất đai, loại BĐS đưa vào kinh doanh, vì theo Hiến pháp, đất đai là sở hữu toàn dân và có quy định tại Điều 3 và Điều 5 chưa thống nhất với nhau. Quy định đất đai là BĐS tại Điều 3 lại không thống nhất với quyền sử dụng đất là BĐS được đưa vào kinh doanh tại Điều 5. Cần phân loại để có chính sách phát triển các loại BĐS nào cần khuyến khích, loại nào cần hạn chế.
Về các khái niệm cần làm rõ thêm khái niệm kinh doanh BĐS cho đầy đủ và làm rõ nội hàm các loại thị trường BĐS gắn với trách nhiệm của chủ dự án và những chế định rõ ràng có ràng buộc chủ dự án phải thực hiện đúng pháp luật, đúng quy hoạch và đúng tiến độ.
Về phạm vi kinh doanh BĐS của người Việt Nam định cư nước ngoài, tổ chức cá nhân nước ngoài, các đại biểu đều tán thành việc rộng phạm vi này và cần làm rõ nghị quyết mở rộng nhưng mà phải bảo đảm nguyên tắc.
Góp ý về phạm vi kinh doanh BĐS của người Việt Nam định cư nước ngoài ĐB Nguyễn Minh Quang (TP Hà Nội) cho biết, quy định này chưa thực sự phù hợp. Mâu thuẫn với Luật Đất đai năm 2013, vì Luật Đất đai năm 2013 không cho phép các tổ chức, các nhân nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mà chỉ cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. “Kiến nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh lại quy định này cho phù hợp với Luật Đất đai năm 2013” - ĐB Quang kiến nghị.
Cũng theo ĐB Quang, mở rộng phạm vi tham gia của nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết nhằm mục đích thu hút nguồn lực đầu tư vào thị trường BĐS trong nước. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần nghiên cứu để có cơ chế kiểm soát năng lực của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt ở các địa bàn trọng yếu như người nước ngoài không được phép kinh doanh BĐS ở các khu vực biên giới, khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Hạn chế người nước ngoài kinh doanh BĐS ở một số khu vực như các khu trung tâm chính trị lớn và các hải đảo…
Về bảo lãnh trong bán, cho thuê, cho thuê mua nhà công trình xây dựng hình thành trong tương lai, các ĐB cho rằng cần quy định rõ những khoản tiền huy động được cho dự án này phải được quản lí chặt chẽ tại một tài khoản riêng ở ngân hàng và chỉ được giải ngân khi sử dụng đúng mục đích của dự án và có những quy định chế tài xử lý khi vi phạm những quy định này. Có thể bổ sung hình thức ký quỹ hoặc mua bảo hiểm cho dự án. Bổ sung quy định là khi hoàn trả lại tiền cho bên nộp tiền thì có tính lãi suất theo ngân hàng và quy định phí bảo lãnh trong điều này.
Góp ý về việc dự thảo Luật cần làm lành mạnh thị trường BĐS, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho biết, hai đối tượng cần khuyến khích là những người kinh doanh BĐS xin dự án và xây dựng theo quy hoạch bán để kinh doanh, tạo nên bộ mặt đô thị và mua lại đất đã có rồi để xây dựng lên, nâng giá trị lên để bán và cũng tạo cho thị trường phát triển lành mạnh. Bên cạnh đó, cần hạn chế đối với loại chuyên chạy dự án rồi chuyển nhượng kiếm lời, nâng giá, không kinh doanh và kinh doanh cơ chế. “Đây là loại làm hại thị trường, tôi đề nghị làm sao quy định chặt chẽ vấn đề chuyển nhượng để tránh tình trạng chạy dự án bán lấy lời, đẩy giá lên tức là kinh doanh cơ chế” - ĐB Lịch kiến nghị.
Cũng theo ĐB Lịch, vấn đề liên quan đến thế chấp nhà ở tương lai, phải làm nhưng dứt khoát, việc thế chấp nhà ở cho từng người mua nhà phải nằm trong dự án, mà dự án đó không thế chấp ngân hàng. “Tránh tình trạng dự án đã thế chấp ngân hàng rồi lại thế chấp lần thứ hai từng căn hộ thì trường hợp này chúng ta phải xử lý quan điểm này mới phán quyết được” - ĐB Lịch cho biết.
ĐBQH cho biết, dự thảo Luật có những điểm chưa chặt chẽ, cần nghiên cứu hoàn thiện thêm trong quyền, nghĩa vụ các bên mua, bán nhà và công trình xây dựng. Tán thành việc bỏ quy định bắt buộc kinh doanh BĐS phải thông qua sàn giao dịch. Bên bán, bên mua nhà phải bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc của pháp luật về dân sự.
Ngoài ra, các ĐBQH còn đóng góp nhiều nội dung cụ thể trong các điều khoản của dự thảo Luật; về điều kiện chuyển nhượng toàn bộ dự án BDS hay phân biệt doanh nghiệp kinh doanh BĐS, việc chuyển nhượng một phần hay chuyển nhượng toàn bộ, hay chỉ cho thuê một phần BĐS…
Trước đó, đầu giờ chiều nay, các ĐBQH đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), với 79,72% ĐB tán thành. Theo đó, Luật Xây dựng (sửa đổi) gồm 10 chương và 168 điều.
Ảnh minh họa.
|