Tuy nhiên, theo đánh giá, việc xây dựng đạt chuẩn NTM cho 5 xã chỉ trong một thời gian ngắn sẽ gặp không ít khó khăn, đòi hỏi phải có sự vào cuộc tập trung, quyết liệt hơn nữa của các ngành, các cấp và sự đồng thuận, góp sức của người dân.
Nhiều thay đổi tích cực
Theo ông Uông Đức Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, sản xuất nông nghiệp của huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng tích cực. Năng suất, sản lượng lương thực tiếp tục tăng, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã hình thành và đạt hiệu quả, bước đầu đã có một số vùng sản xuất chuyên canh. Việc triển khai xây dựng NTM được các cấp, các ngành hưởng ứng và người dân nhiệt tình ủng hộ, tham gia. Đến nay, Thường Tín có 100% số xã đạt tiêu chí quy hoạch. Hệ thống đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa 80%; đường trục thôn, xóm được cứng hóa 76%; 82% đường ngõ xóm không lầy lội vào mùa mưa; 26% đường trục chính nội đồng được cứng hóa. Chương trình xây dựng NTM đã huy động được nguồn lực của người dân, tạo sự đồng thuận nhất trí cao. Người dân đã đóng góp 25.083 ngày công, hiến 17.236m2 đất để xây dựng hệ thống đường giao thông nội đồng, giao thông thôn xóm. Việc xây dựng đường giao thông nông thôn, đường trục chính nội đồng theo đề án của UBND huyện đã có tác dụng và đem lại hiệu quả. Hệ thống điện nông thôn được quan tâm cải tạo, củng cố, nâng cấp cơ bản đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ cho sản xuất, dân sinh. Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực chỉ đạo các xã phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, huyện đã quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ về cơ chế, thủ tục và chính sách ưu đãi; hỗ trợ 6 hợp tác xã nông nghiệp vay vốn để mua máy làm đất trong thời gian 3 năm.
Đến nay, huyện Thường Tín đã có xã điểm Nhị Khê được UBND TP công nhận đạt chuẩn NTM; 4 xã đạt và cơ bản đạt 16 - 17 tiêu chí; 18 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 - 15 tiêu chí; 5 xã đạt và cơ bản đạt từ 5 - 9 tiêu chí. Từ nay đến cuối năm, huyện phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM.
Lựa chọn thực hiện công việc trọng tâm, trọng điểm
Tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song tại buổi làm việc mới đây về kết quả thực hiện Chương trình 02 trên địa bàn huyện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái cho rằng, xây dựng NTM ở huyện Thường Tín cần tập trung, quyết liệt hơn nữa. Bởi trong thời gian qua, việc dồn điền đổi thửa, huy động nguồn lực xây dựng NTM của huyện chưa thực sự hiệu quả.
Cụ thể, trên địa bàn huyện vẫn còn 2 xã chưa thực hiện được dồn điền đổi thửa là xã Nguyễn Trãi và Hòa Bình. Nguyên nhân do người dân yêu cầu phải xử lý những vi phạm đất đai cũ, từ những năm 1981, nên địa phương đang tập trung giải quyết. Bên cạnh đó, việc xây dựng NTM ở một số xã trong kế hoạch về đích NTM trong năm nay cũng đang gặp khó khăn về vốn. Một số dự án thành phần trong đề án như xây dựng cụm công nghiệp làng nghề, khu xử lý chất thải tại làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề, để dần hoàn thiện tiêu chí về môi trường có tiến độ chậm, ít doanh nghiệp thực sự quan tâm. Hiện nay, các xã chỉ tập trung vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa tập trung vào phát triển sản xuất tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân; việc huy động nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp chưa được nhiều, việc triển khai dự án xây dựng nhà máy nước sạch bị chậm tiến độ…
Để đạt được mục tiêu đề ra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái cho rằng, thời gian tới, huyện Thường Tín cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nghiên cứu sâu Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Đặc biệt, tiếp tục lựa chọn những công việc trọng tâm, trọng điểm đối với 10 xã xây dựng NTM trong giai đoạn 2015, phân công lãnh đạo thực hiện, phấn đấu cuối năm nay có 5 xã đạt NTM, đến năm 2015 hoàn thành tiếp 5 xã. Bên cạnh đó, huyện cần tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập cho người dân; thực hiện cơ giới hóa, tập trung đào tạo nghề cho bà con nông dân theo yêu cầu của người dân. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu huyện phải làm tốt công tác quản lý đất đai trên địa bàn, tập trung dồn điền đổi thửa ở 2 xã đang gặp khó khăn, nếu còn tình trạng người dân bỏ ruộng thì huyện phải đứng ra tổ chức sản xuất.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái thăm mô hình trồng cây cảnh cho giá trị kinh tế cao tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín. Ảnh: Nam Bắc
|