Cần tăng chế tài xử phạt các đối tượng tung tin xấu, độc

Tiến Thành (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hiện nay không thiếu cơ sở pháp lý để xử phạt các đối tượng tung tin xấu, độc nhưng cần chế tài mạnh mẽ hơn nhằm xử lý triệt để thông tin gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và đặc biệt là lợi ích quốc gia, dân tộc.

 Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Thưa ông, trước thềm đại hội Đảng XIII dự kiến diễn ra vào quý I/2021, một số đối tượng lợi dụng sự kiện chính trị lớn của đất nước để tung tin giả mạo nhằm chống phá, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của tổ chức, cá nhân, ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

- Trên thực tế, không chỉ trước thềm đại hội Đảng lần thứ XIII mới xuất hiện các thông tin xấu, độc gây hoang mang trong dư luận mà bất kỳ sự kiện lớn nào của đất nước cũng xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực, lợi dụng mạng xã hội để xâm phạm lợi ích của quốc gia, tổ chức, cá nhân.

Đặc biệt các đối tượng lợi dụng không gian mạng từ Website, Facebook, Youtube để bôi nhọ, vu khống, đưa thông tin thất thiệt nhằm đạt mục đích khác nhau như: Âm mưu chia rẽ dân tộc, nói xấu cán bộ, gây hoang mang dư luận hay đơn giản là chỉ câu like, tăng lượt theo dõi, bán hàng qua mạng...

Như báo chí phản ánh, gần đây trên mạng internet xuất hiện nhiều thông tin thất thiệt, giả mạo, hạ thấp uy tín của một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cán bộ, lãnh đạo, gây bức xúc trong dư luận.

Đây là thực trạng báo động trong tình hình hiện nay. Mạng xã hội là không gian mở có sự ảnh hưởng lớn trong đời sống xã hội. Một khi thông tin thất thiệt được tung ra sẽ có sức lan truyền rất lớn mà việc kiểm tra, rà soát với lượng thông tin khổng lồ không phải là điều dễ dàng.

Hiện chúng ta có cơ sở pháp lý nào để xử phạt các đối tượng tung tin xấu độc, sai sự thật, ảnh hưởng đến quyền lợi ích của quốc gia, tổ chức, cá nhân, thưa ông?

- Thời gian vừa qua, Luật An ninh mạng về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng đã chính thức có hiệu lực. Đặc biệt đầu năm 2020, Nghị định 15 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử cũng đã được thực thi.

Trong đó, quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng không gian mạng để nhằm mục đích bôi nhọ, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Tùy theo tính chất mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, hoặc nếu điều tra có dấu hiệu tội phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo đó, đối với hành vi lợi dụng không gian mạng nói chung nhằm mục đích bôi nhọ danh dự người khác được quy định tại điều 288 Bộ luật Hình sự về tội đưa thông tin trái phép lên mạng xã hội.

Nếu có dấu hiệu tội phạm khác thì có thể bị xử lý hình sự về tội vu khống theo điều 156 Bộ luật Hình sự. Các đối tượng có quan điểm tư tưởng đi ngược lại chủ trương chính sách đường lối của Đảng và Nhà nước và xâm phạm đến lợi ích quốc gia thì cũng sẽ bị xử lý theo tội lợi dụng quyền tự do dân chủ được quy định tại điều 331 Bộ luật Hình sự.

Như vậy, chế tài đã có sẵn, tuy nhiên thông tin xấu độc vẫn xuất hiện dày đặc trước những sự kiện lớn của đất nước. Chúng ta gặp khó khăn gì trong việc điều tra, xử lý vi phạm các đối tượng tung tin xấu độc, thưa ông?

- Việc xử lý các đối tượng tung tin xấu, độc cũng là vấn đề gây nhức nhối vì có những đối tượng lợi dụng mạng internet từ nước ngoài để chống phá, sẽ khó xác định kẻ chủ mưu. Để điều tra, cần sự phối hợp của các nhà cung cấp mạng ở nước ngoài để kịp thời ngăn chặn sự lan tỏa của những thông tin xấu, độc, gây hoang mang dư luận.

Trong trường hợp các đối tượng tung tin đồn thất thiệt hoạt động ở trong nước thì các cơ quan điều tra có thể phối hợp với các nhà mạng điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng này.

Dẫu vậy, càng ngăn chặn hàng trăm nghìn trang web, mạng xã hội độc hại thì càng xuất hiện nhiều thông tin thất thiệt “mọc” lên. Điều này rất cần sự sáng suốt của người dùng để tỉnh táo trước những thông tin sai sự thật, thất thiệt.

Theo ông, chúng ta có nên tăng chế tài xử phạt với các đối tượng cố ý tung tin xấu, độc gây ảnh hưởng đến lợi ích dân tộc, quốc gia?

- Chúng ta đã có cơ sở pháp lý để xử phạt các đối tượng tung tin thất thiệt, sai sự thật, vu khống... Có thể kể đến như Luật An ninh mạng năm 2019, Nghị định 115 năm 2020 hay các điều khoản trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tuy vậy, một số điều khoản của Luật chưa đủ sức răn đe. Cụ thể như theo Nghị định 115 năm 2020, các cá nhân đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội bị xử phạt 7,5 triệu đồng.

Có lẽ, chúng ta cần ban hành các chế tài mạnh mẽ hơn nữa, thậm chí có thể ở mức xử lý hình sự, đưa ra trước công luận để dập tắt ý định của các đối tượng lợi dụng mạng internet để xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của quốc gia, tổ chức, cá nhân.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết: Thời gian tới, Bộ sẽ xử lý quyết liệt hơn đồng bộ cả ba biện pháp, đó là biện pháp pháp lý, kinh tế và kỹ thuật. Thứ nhất, về mặt pháp lý, dù là chúng ta đã có bước tiến lớn nhưng thể chế, để quản lý những nền tảng xuyên biên giới cần tiếp tục kiện toàn và tăng cường hơn nữa, đặc biệt là các chế tài về xử lý vi phạm mang tính răn đe cao hơn. Thứ hai về biện pháp kinh tế, chúng ta cũng cần có sự sự ủng hộ vào cuộc của các nhà mạng, các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tuân thủ quy định của pháp luật. Thứ ba, về biện pháp kỹ thuật, bên cạnh việc triển khai các biện pháp từ phía các cơ quan nhà nước, Bộ sẽ đặt trách nhiệm của các nhà mạng khi cung cấp dịch vụ cho người dân thì phải có những công cụ kỹ thuật đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần