Lãi suất liên NH cũng giảm ở hầu hết các kỳ hạn... Câu hỏi đặt ra là việc giảm lãi suất đã thực sự hiệu quả hay chưa? Các chuyên gia tại hội thảo "Tín dụng NH phục vụ tăng trưởng kinh tế, những vấn đề đặt ra" (ngày 7/5) đã khuyến nghị, nếu không thận trọng nền kinh tế sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn.
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh của HDBank.Ảnh: Trần Việt
Có nên hạ lãi suất ồ ạt?
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 23/4 huy động vốn tăng 5,34% so với cuối năm 2012, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ tăng 1,4%. Sau thời gian tập trung xử lý nợ xấu, một số NH quay lại với bài toán tăng trưởng tín dụng để đảm bảo mục tiêu doanh số, khơi thông dòng vốn ứ đọng lâu nay. Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính, trong thời gian tới, lãi suất NH có thể sẽ được giảm thêm khoảng 2 - 3%, do lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và tín dụng tăng trưởng chưa tới 1,5%.
Đánh giá về động thái bất ngờ giảm lãi suất, TS Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Biên tập Tạp chí NH lo ngại, bài học năm 2008 khi tác động của suy giảm kinh tế chúng ta đã thực hiện kích cầu và hậu quả phải gánh trong nhiều năm, nay nếu các NH ồ ạt giảm lãi suất cho vay mà hiệu quả sử dụng vốn vay của DN không đúng sẽ gây nguy cơ lạm phát, làm tăng thêm nợ xấu rơi vào vòng luẩn quẩn. Còn nếu lãi suất huy động tiếp tục hạ nữa có ai đảm bảo rằng người dân đang gửi tiền sẽ không rút tiền ra để đầu tư vào những lĩnh vực khác? Các NH lại rơi vào tình trạng mất thanh khoản và không loại trừ trường hợp các ngân hàng thương mại (NHTM) lại lao vào cuộc đua lãi suất mới để bù đắp thanh khoản. "Bẫy thanh khoản vẫn đang rình rập các NHTM, nếu tiếp tục hạ lãi suất thì bẫy thanh khoản sẽ quay trở lại trong thời gian ngắn", TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng LienVietPost Bank phân tích.
Đồng bộ chính sách tiền tệ và tài khóa
Giảm lãi suất, NHNN sẽ đứng trước sự lựa chọn: Cứu DN yếu kém hay bảo vệ người gửi tiền? Ông Hưởng cho rằng, hạ lãi suất "chỉ nên vừa phải" để vẫn bảo vệ người gửi tiền, thay vì cố cứu DN làm ăn yếu kém.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học NH, Học viện NH dẫn chứng một kết quả nghiên cứu của Viện này cho thấy, chính các DN thừa nhận lãi suất không phải vấn đề với họ mà vấn đề quan trọng hiện nay là đầu ra, tổng cầu. Theo ông Trung, các NH cũng phải tìm cách "nuôi nợ" đối với DN trong bối cảnh này. Hay nói đúng hơn, đối với DN có khó khăn về vốn nhưng có phương án kinh doanh tốt, có khả năng phục hồi được thì NH nên bơm thêm vốn, tìm đầu ra cho DN, giải phóng hàng tồn kho để DN có nguồn mới để trả.
Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội NH cho rằng, nhiều năm nay, Nhà nước vẫn dùng 2 cây gậy chính sách là tiền tệ và tài khóa. Bên cạnh các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa với công cụ là thuế và phí cũng phải linh hoạt, tạo điều kiện cho DN giảm được chi phí tốt nhất, kích thích nguồn, cầu từ đó giảm hàng tồn kho thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần đồng bộ các biện pháp thúc đẩy thị trường vốn phát triển (thị trường tài chính, chứng khoán...), phá băng thị trường bất động sản. Một vấn đề nữa được các chuyên gia nhắc tới là xử lý nợ xấu đang rất phức tạp và là trọng tâm của chương trình tái cơ cấu hệ thống NH và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Việc xử lý nợ xấu càng chậm thì chi phí phải trả càng lớn, số lượng DN phá sản càng nhiều và tiến trình phục hồi nền kinh tế càng khó khăn.