Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cẩn thận với chiêu thanh lý, xả hàng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tháng 9 - 10 là mùa khuyến mãi. Bên cạnh các chương trình khuyến mãi có uy tín, nhiều tư thương cũng sử dụng chiêu "thanh lý hàng tồn kho", "xả hàng cuối năm", "thanh lý toàn bộ cửa hàng" để kích cầu.

KTĐT - Tháng 9 - 10 là mùa khuyến mãi. Bên cạnh các chương trình khuyến mãi có uy tín, nhiều tư thương cũng sử dụng chiêu "thanh lý hàng tồn kho", "xả hàng cuối năm", "thanh lý toàn bộ cửa hàng" để kích cầu. Và không ít người tiêu dùng đã tìm đến, nhưng sau khi tìm hiểu mới biết mình bị... hố.

Thanh lý hàng tồn (!?)

Hàng dệt-may với thương hiệu Made in Vietnam đã dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Từ cuối năm 2009, tại phố Phạm Ngọc Thạch, băngrôn quảng cáo xả hàng VN chất lượng cao đã thu hút được nhiều người dân đến xem, lựa chọn sản phẩm.

Nhiều cửa hàng treo biển “thanh lý hàng” để thu hút khách.	Ảnh: 
X.L
Nhiều cửa hàng treo biển “thanh lý hàng” để thu hút khách. Ảnh: X.L

Thời gian đầu, khu vực này luôn chật kín người ra, vào mua bán, sau đó khách hàng thưa dần và đến ngày 13.10, sạp hàng này mới ngừng hoạt động. Chị Nguyễn Thu Thuỷ - khu tập thể Trung Tự - một trong những khách hàng mua quần áo tại đây cho biết: “Thấy “mác” là hàng VN, nhiều người cứ tưởng sẽ mua được hàng giá rẻ. Sau gần 3 tháng, hàng “tồn” vẫn còn, nhưng nếu so sánh với cùng chất liệu và giá bán thì hàng tồn còn đắt hơn hàng mới ở một số điểm kinh doanh hàng VN khác. Như vậy, mới thấy “xả hàng tồn” chỉ là một “chiêu” để kinh doanh bán hàng”.

Các tuyến phố Phạm Ngọc Thạch, Trung Tự, Chùa Bộc, Tôn Đức Thắng, Minh Khai... có điểm kinh doanh “thanh lý hàng tồn”, “giảm giá”, “xả hàng tồn” nhiều nhất hiện nay. Nhiều nơi còn được mệnh danh quanh năm khuyến mãi. Một số cửa hàng giày tại Trung Tự, trong thời gian từ 2 – 3 tháng hết trưng biển “giảm giá 10%” lại “xả hàng tồn”, nhưng thực chất số lượng mặt hàng giảm giá chỉ chiếm phần nhỏ trong toàn bộ hàng hoá đang kinh doanh tại cửa hàng. Cũng áp dụng chiêu “thanh lý hàng”, một cửa hàng trên phố Lò Đúc cũng đã kéo dài chương trình “thanh lý” đến 3 – 4 tháng. Một số khách đã từng mua hàng tại đây không khỏi ngạc nhiên, thay vì mỗi ngày hàng sẽ giảm theo số lượng hàng bán ra thì cửa hàng liên tục có thêm hàng mới.

Ý kiến của một cán bộ trong Đội chống hàng giả (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho rằng: “Người tiêu dùng cần phải thận trọng khi mua mặt hàng này, vì khi chất lượng hàng hoá không đảm bảo, người tiêu dùng sẽ không được bồi thường vì cửa hàng đưa lý do hàng “thanh lý” mua rồi miễn đổi lại”.

Người tiêu dùng thất vọng

Tại cửa hàng giày, dép ở phố Bà Triệu (gần Vincom), khi vào xem các mã hàng hè được “thanh lý” với giá giảm từ 30 – 50%, anh Lê Văn Hùng – ngõ 22 phố Tôn Thất Tùng thấy đôi giày anh vừa mua tại Ngọc Mode với giá 200.000 đồng cho vợ được gắn giá 387.000 đồng. Hỏi kỹ, anh được biết đôi giày đó được giảm 30% với giá niêm yết. Như vậy, nếu mua đôi giày tại nơi “thanh lý” anh sẽ phải trả 270.000 đồng (đắt hơn 70.000 đồng so với cửa hàng khác).

Các mặt hàng được cửa hàng chọn “thanh lý”, “xả hàng” chủ yếu tập trung vào nhóm hàng hoá mỹ phẩm, quần áo, giày dép, kính mắt... Một trong những chiêu mà chủ hàng thường áp dụng là nâng giá niêm yết hàng trước khi áp dụng chương trình “thanh lý”, “xả hàng”. Khi khách chấp nhận mua hàng, nhân viên sẽ giảm trực tiếp trên giá đã tăng, khiến cho khách hàng tưởng mua được giá rẻ, nhưng thực chất giá sản phẩm vẫn giữ nguyên, thậm chí còn cao hơn giá chưa được “thanh lý”.

Cách thức thứ hai mà các cửa hàng cũng đang thực hiện là chỉ quảng cáo chung chung là “thanh lý hàng tồn từ 30 – 40%” hoặc “xả hàng giá sốc tới 50%”. Khi khách hàng hỏi, mới biết chỉ có một lượng hàng nhỏ áp dụng “thanh lý”, số hàng còn lại vẫn bán với giá đã niêm yết. Nhìn số lượng hàng quá ít, thiếu size, nhiều khách hàng nản, lúc đó nhân viên mới hướng khách sang những mặt hàng không giảm giá. Một số trường hợp, khách hàng chấp nhận mua hàng không thanh lý để khỏi mất thời gian.

Một thực tế là do các điểm kinh doanh hàng hoá quá nhiều, thời gian khuyến mãi ngắn nên có nhiều chương trình khuyến mãi mà cơ quan quản lý là Sở Công Thương Hà Nội không thể nắm rõ hết được. Việc quản lý các chương trình khuyến mãi theo Luật Khuyến mãi hiện rất khó khăn. Vì vậy, đây cũng là một kẽ hở để tư thương làm liều, không thông báo với cơ quan quản lý trước 7 ngày, trước khi áp dụng các chương trình khuyến mãi theo quy định. Để bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng nên thận trọng khi mua hàng “thanh lý”, “xả hàng tồn” hiện nay.