Kinhtedothi - Đây là kiến nghị của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo Đề xuất, sửa đổi bổ sung các Luật về đầu tư, kinh doanh do Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, VCCI phối hợp với Dự án tăng cường năng lực xây dựng pháp luật cho Văn phòng Chính phủ của Đức (GIZ) tổ chức ngày 22/7.
Cuộc rà soát của VCCI đã chỉ ra có khoảng 50 luật với khoảng 150 điều luật cần sửa đổi theo quan điểm của cộng đồng DN. Ông Lộc cho rằng, cần phải thay đổi tư duy làm luật, nếu phát hiện các luật, nghị định, thông tư vừa ban hành mà bất cập thì cần sửa ngay, không phải đợi luật thi hành 4 - 5 năm rồi mới tổng kết, sửa đổi sẽ làm lỡ các cơ hội của nền kinh tế. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cũng nhận xét: “Càng ngày luật càng dài hơn, khó hiểu hơn”.
Do đó, cần phải rà soát lại tất cả những quy định bất hợp lý, trái ngược nhau, chưa tương thích với Luật DN và Luật Đầu tư, không phù hợp với thực tế để sửa đổi, thậm chí là bãi bỏ để tạo thuận lợi hơn nữa cho DN đầu tư, kinh doanh. Đáng chú ý, tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ hẳn Luật Đầu tư. “Tốt nhất là bỏ hẳn Luật Đầu tư, còn những nội dung nào cần thiết phải giữ lại thì có thể đưa vào Luật DN để tạo ra hệ thống pháp luật thống nhất” - ông Ngô Việt Hòa, Công ty General Motor nêu vấn đề. Lý do là Luật Đầu tư đang tạo ra một hệ thống chồng lấn trong cấp phép, như giấy đăng ký DN và giấy chứng nhận đầu tư, trong khi về mặt kỹ thuật hoàn toàn có thể gộp làm một. Đồnh tình về vấn đề này, bà Vũ Thị Minh Nguyệt, đại diện Công ty TNHH B.Braun Việt Nam cho hay, Luật Đầu tư 2014 dù mới ban hành nhưng theo cảm nhận của DN là đang tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc hơn trước. “Để đáp ứng Thông tư 04/2011/TT-Bộ KH&ĐT về Quy định báo cáo thống kê cơ sở áp dụng đối với DN có yếu tố nước ngoài áp dụng từ tháng 3/2011 cho đến nay, mỗi tháng, DN của chúng tôi phải làm đến 6 báo cáo cơ sở, chi tiết về hoạt động kinh doanh của mình. Hơn nữa, định kỳ 6 tháng chúng tôi phải có báo cáo Quý, mỗi quý lại có 1 báo cáo. Như vậy, tính chung một năm chúng tôi phải làm 72 báo cáo”. Chỉ là một DN nhỏ nhưng công ty đã phải cử ra một nhân viên chỉ làm báo cáo để gửi Bộ trong năm. Về kiến nghị của DN, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT ghi nhận có nhiều phản ánh về Luật Đầu tư. “Mới hôm qua, trên đường về Hà Nội tôi cũng nghe phản ánh về hành trình đi đăng ký đầu tư. Người ta đi đăng ký đầu tư, tạo nhiều công văn việc làm cho xã hội, mà sao phải qua nhiều cửa ải thế?” - Thứ trưởng cho biết sẽ nghiên cứu kỹ các kiến nghị để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền. Trước đó, ông Lê Mạnh Hà cũng cho biết quan điểm cá nhân ông là không cần thiết phải có Luật Đầu tư. Cũng tại hội thảo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI trình bày báo cáo tổng hợp các kiến nghị từ DN và chuyên gia liên quan tới kiến nghị sửa đổi các quy định về kinh doanh tại các Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Đất đai, Luật Thương mại, Luật Xây dựng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Môi trường, Luật Quảng cáo...