Chưa tương xứng với tiềm năng
Để phát huy hiệu quả kinh tế của các làng nghề, thông qua hiệu quả của phong trào "Mỗi làng một sản phẩm - OVOP" tại Nhật Bản, Thái Lan, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng một số mô hình thí điểm và thu được những kết quả bước đầu. Con số thống kê cho thấy, hiện Hà Nội có 70 làng nghề đạt thu nhập từ 20 - 50 tỷ đồng/năm. Năm 2011, giá trị sản xuất của làng nghề đạt trên 400 triệu USD, chiếm 10% tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của toàn TP. Tuy nhiên, do hoạt động XTTM chưa thực sự được chú trọng nên phong trào OVOP vẫn xây dựng đơn lẻ, kết quả phát triển làng nghề chưa tương xứng với tiềm năng.
Ông Tadashi Uchida, Phó Chủ tịch Hiệp hội giao lưu quốc tế và xúc tiến phong trào "OVOP Oita" (Nhật Bản) đánh giá, Hà Nội có số lượng làng nghề và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) phong phú, nhưng hiện lượng du khách quốc tế đến Hà Nội mới chỉ biết nhiều đến gốm sứ Bát Tràng và một số món ăn đặc trưng mà không biết nhiều đến các sản phẩm làng nghề khác. Bà Đào Thu Vịnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thừa nhận: Có như vậy là do hoạt động XTTM tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề và việc liên kết các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, hình thức mẫu mã, sự đồng đều của chất lượng sản phẩm còn yếu kém đang trở thành rào cản hạn chế khả năng xuất khẩu và tiêu thụ hàng nội địa.
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại làng nghề Bát Tràng, huyện Gia Lâm.
Mặc dù ngành du lịch đã xây dựng và quy hoạch 15 làng nghề phát triển theo hướng kết hợp với du lịch, nhưng người dân các làng nghề còn chưa quen với hình thức này nên sản phẩm du lịch hiện vẫn còn dựa vào các nguồn tài nguyên có sẵn cũng là một hạn chế lớn trong việc quảng bá hình ảnh, sản phẩm làng nghề đến với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại để gỡ khó
Để phát triển được phong trào OVOP, việc hỗ trợ các làng nghề trong hoạt động XTTM, cải tiến mẫu mã sản phẩm là điều cần thiết.
Ông Lê Bá Ngọc, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam (Vietcraft) cho rằng: Việt Nam cần tạo điều kiện cho các làng nghề trong hoạt động XTTM. "Tại Thái Lan, khi các doanh nghiệp đưa hàng hóa của làng nghề tham gia vào các chương trình XTTM đều được miễn thuế nhưng ở Việt Nam chưa có cơ chế này".
Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị, Nhà nước phải có nhiều cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, trong đó chú trọng tới chính sách XTTM đối với các sản phẩm OVOP. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải tự lực, sáng tạo ra những sản phẩm giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường và mang bản sắc văn hóa truyền thống.
Nhiều ý kiến cho rằng, để OVOP phát triển, trước hết phải có quy hoạch rõ ràng để làng nghề có địa điểm sản xuất, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cần gắn với doanh nghiệp. Chính phủ cần tạo điều kiện hơn nữa để giúp người dân có vốn. Bởi, hiện nay mặc dù có chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi cho làng nghề nhưng các thủ tục, cơ chế vay vẫn còn nhiều khó khăn đối với người dân. Ngành công thương Hà Nội cần xây dựng một Trung tâm thiết kế và Phát triển sản phẩm để các doanh nghiệp, nhà thiết kế gặp gỡ, trao đổi và làm việc một cách hiệu quả thông qua các chương trình giao lưu, liên kết với các đối tác nước ngoài cũng như các khu thiết kế và thực nghiệm mẫu…
Để phục vụ mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu và giúp các làng nghề tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội, hiện Sở Công Thương đang triển khai chương trình XTTM "Mỗi làng một sản phẩm" giai đoạn 2012 - 2015. Thông qua chương trình này, Hà Nội sẽ lựa chọn được các sản phẩm OVOP đạt chất lượng cao, đáp ứng các nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Xây dựng thương hiệu OVOP Hà Nội cho các sản phẩm tham gia chương trình OVOP; hình thành hệ thống tiêu chí chấm điểm, phân loại xếp sao các sản phẩm.