KTĐT - Giáo sư-tiến sĩ Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh Thiếu niên-Nhi đồng Quốc hội đã nhấn mạnh rằng nếu không tiến hành kiểm định chất lượng và phân loại giáo dục, gắn thu học phí với chất lượng giáo dục sớm thì sẽ có những kết quả đi ngược với quy mô đầu tư và mục tiêu phấn đấu chung cho giáo dục cả nước.
Trong cuộc đối thoại trực tiếp giữa các đại biểu Quốc hội với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các trường đại học trên địa bàn, tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 30/1, hầu hết các đại biểu đều thống nhất quan điểm cần phải tiến hành kiểm định và phân loại các trường đại học, để người học tự quyết định trường học phù hợp với yêu cầu của mình.
Giáo sư-tiến sĩ Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh Thiếu niên-Nhi đồng Quốc hội đã nhấn mạnh rằng nếu không tiến hành kiểm định chất lượng và phân loại giáo dục, gắn thu học phí với chất lượng giáo dục sớm thì sẽ có những kết quả đi ngược với quy mô đầu tư và mục tiêu phấn đấu chung cho giáo dục cả nước.
Phân loại trường đại học cũng nhằm xây dựng những cơ chế quản lý phù hợp, để các trường chất lượng cao có đủ hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi trong cạnh tranh với khu vực và quốc tế...
Theo giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết thì việc phân loại các trường đại học là để các trường tự vận động, phấn đấu tiến tới mục tiêu cung cấp cho xã hội những sản phẩm giáo dục tốt nhất. Đồng thời trên cơ sở phân loại đó, người học lựa chọn trường cho phù hợp với học lực, điều kiện kinh tế cũng như yêu cầu của bản thân.
Ngoài ra, việc phân loại trường theo các đại biểu cũng là để tránh hiện tượng cào bằng trong giáo dục, các trường chú trọng đầu tư lớn về cơ sở vật chất, dịch vụ và đặc biệt là kiến thức, chương trình đào tạo thì phải được đánh giá tốt hơn.
Về vấn đề học phí, giáo sư Nguyễn Ngọc Trân cho rằng học phí quyết định chất lượng giáo dục nói chung và đại học nói riêng. Cùng quan điểm này, giáo sư Phạm Phụ cho biết ở các nước có nền giáo dục phát triển, khi phải cân nhắc về học phí, họ thường đặt vấn đề là “nên tăng học phí hay là tăng thuế?”.
Vì thế, giáo dục đại học ở Việt Nam cần phải thay đổi cách đầu tư. Thay vì đầu tư kinh phí cho các trường chi trả lương cho cán bộ, giảng viên thì nên để các trường tự cân đối theo quy mô của mình. Bên cạnh đó, cũng cần phải có cơ chế ưu đãi nhất định dành cho các sinh viên là đối tượng chính sách như học bổng, trợ cấp...
Về phía đại diện các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố thì khó khăn lớn nhất là giải bài toán về đất đai để xây dựng cơ sở vật chất.
Hiện nay các trường đều được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cấp đất trong các Khu quy hoạch hệ thống đại học-cao đẳng chung của thành phố. Tuy nhiên, thành phố không có đủ kinh phí để giải phóng mặt bằng, cấp đất “sạch” như yêu cầu của một số trường./.