Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần trang bị kỹ năng cho giáo viên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp trong thời gian qua là các thông tin liên quan đến chuyện bảo mẫu bạo hành trẻ mầm non.

Ngoài nỗi bức xúc của dư luận, người ta còn khẳng định đây là do bảo mẫu thiếu kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ.

Điều đáng nói là các vụ bạo hành trẻ xảy ra nhiều năm nay, ở nhiều địa phương và có chiều hướng gia tăng. Gần đây nhất, tại Hà Nội cũng xảy ra đồng thời 2 vụ việc: Đoạn clip (ngày 9/10) ghi lại cảnh một bé gái khoảng 17 tháng tuổi bị bảo mẫu tát, được xác định là tại trường Mầm non tư thục Nụ cười xinh (quận Nam Từ Liêm); và một vụ xảy ra tại trường Mầm non tư thục Hoa Trạng Nguyên (huyện Chương Mỹ), cô giáo để một trẻ cùng lớp đánh bạn.

 Ngay sau khi sự việc xảy ra tại trường Mầm non Nụ cười xinh và trường Mầm non tư thục Hoa Trạng Nguyên, Sở GD&ĐT đã vào cuộc xác minh và khẳng định, sự việc xảy ra đúng như phản ánh. Lãnh đạo ngành giáo dục thừa nhận, việc này thể hiện hành vi không đúng với phẩm chất, phương pháp sư phạm cũng như tư cách một nhà giáo. Những hình ảnh này tác động xấu đến tâm lý phụ huynh, dư luận xã hội và ngay cấp quản lý giáo dục cũng rất bất bình.

"Quan điểm của Sở GD&ĐT Hà Nội là xử lý nghiêm khắc những trường hợp này để ngăn chặn các hành vi tương tự. Xử lý nghiêm không chỉ với cá nhân có những hành vi không đúng quy định, ảnh hưởng đến thân thể, tâm lý trẻ phải chịu kỷ luật đúng mức. Các cán bộ quản lý trực tiếp cũng phải làm rõ trách nhiệm” – bà Hoàng Thanh Hương – Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết. 

Song, nhìn từ thực tế có thể thấy, các vụ bạo hành trẻ mầm non đều xảy ra tại các trường tư thục, những cơ sở trông giữ trẻ tự phát không có giấy phép hoạt động, nhóm trẻ gia đình... Tại những cơ sở này, người chăm sóc trẻ thường không được đào tạo bài bản, không có kiến thức về nuôi dưỡng chăm sóc trẻ. Đáng nói là khi xảy ra chuyện, những cơ sở không phép chỉ bị đình chỉ hoạt động mà chưa có trường hợp nào bị xử phạt, thế nên vi phạm vẫn tiếp diễn. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải rà soát, tăng cường giám sát góc giáo dục mầm non ngoài công lập này.

Để ngăn chặn tình trạng này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, trước hết phải trang bị kỹ năng, kiến thức cho giáo viên và cán bộ quản lý. Bộ GD&ĐT cần rà soát lại việc đào tạo giáo viên mầm non, không thể có chuyện không thi đỗ được vào đâu thì vào học mầm non. Ngoài ra, cần quan tâm đến công tác tổ chức quản lý các cơ sở giáo dục mầm non còn yếu kém. Hơn nữa, phụ huynh cần tăng cường giám sát hoạt động nhà trường theo tinh thần dân chủ, công khai.