Cẩn trọng khi mua sắm qua mạng ngày cận Tết

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Mua sắm online đang trở thành xu hướng được nhiều người lựa chọn, khiến không ít kẻ gian lợi dụng để trà trộn hàng nhái, hàng giả...

Càng đến sát ngày Tết Nguyên đán, không khí mua bán trên các chợ Tết ảo, nhất là trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... càng trở nên khó kiểm soát.
Các sản phẩm được quảng cáo là cao cấp nhưng có giá rẻ bằng 1/10 giá chính hãng được rao bán công khai.
Trên các chợ Tết online hoặc ngay trên các trang mạng xã hội, có không ít kẻ buôn gian bán lận, mua quảng cáo, lợi dụng lòng tin của khách hàng để lừa đảo như nhận tiền nhưng không giao hàng, bán hàng giả hay hàng không giống miêu tả hoặc hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng...
Cảnh giác với những sản phẩm giá quá rẻ
Nhiều kẻ gian còn mua quảng cáo trên các trang mạng xã hội như Facebook (với chính sách quảng cáo rất dễ dàng) để đưa ra các chương trình siêu khuyến mại, deal mua chung siêu rẻ... nhằm lôi kéo khách hàng. Người tiêu dùng cần cẩn trọng để tránh gặp phải trường hợp nâng giá cao để "giảm giá", thanh lý hàng tồn...
Chị Đặng Phương Loan, ở phố Đại Từ, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết vừa đăng ký mua trực tuyến giỏ quà Tết gồm nhiều sản phẩm nhập khẩu để đi biếu. Nhưng khi nhận hàng, chị mới dở mếu dở cười khi giỏ hàng thì đầy đủ như quảng cáo, nhưng kích thước thì nhỏ xíu. Thắc mắc lại với người bán thì chị mới biết mình bị "hớ" do chủ quan không hỏi rõ khối lượng sản phẩm từng loại trong giỏ quà.
Anh Nguyễn Hữu Phú ở Giải Phóng, Thanh Xuân, Hà Nội còn thiệt hại nặng hơn chỉ vì tham deal mua chung giá rẻ chiếc loa bluetooth trên Facebook, mà tiền đã chuyển, hàng lại chẳng thấy đâu.
"Mãi không nhận được hàng tôi mới lên nhóm mua hàng để hỏi mới phát hiện ra có khá nhiều người giống mình, chuyển tiền rồi mà không nhận được hàng. Chủ tài khoản thì khóa nick luôn trong khi bây giờ đã báo nick xấu lên Facebook thì cũng không giải quyết được gì", anh Phú cho hay.
Những chiêu trò bán hàng online này không hiếm và khiến không ít người sập "bẫy", nhất là với những người thiếu kinh nghiệm mua sắm trên mạng.
Dịp cận Tết, nắm bắt nhu cầu người dùng về thực phẩm sạch, thực phẩm nhà nuôi, nhà làm...nhiều trang bán hàng online đã đưa ra những quảng cáo hấp dẫn, kèm theo cam kết về độ sạch cũng như nguồn gốc "nhà làm" như "cây nhà lá vườn", "tự làm", "nhà trồng"...
Không chỉ các loại thực phẩm tươi sống mà còn nhiều loại đặc sản vùng miền, thế nhưng sản phẩm có sạch thật hay không thì chỉ có người bán mới biết chính xác.
''Trăm hoa đua nở'' các sản phẩm quảng cáo là nhà làm nhưng nguồn gốc khó xác minh.
Tìm hiểu kỹ thông tin và chọn địa chỉ uy tín
Để tránh mua phải những sản phẩm không đúng chất lượng khi sắm Tết trên mạng, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đặt mua hay chuyển tiền; chọn lựa gian hàng đảm bảo ở những trang mạng có uy tín hoặc chính sách bảo vệ khách hàng nếu chẳng may họ gặp rủi ro.
Ngoài ra, người dùng nên tự trang bị cho mình những kiến thức về mua sắm trực tuyến an toàn, tham khảo các phản hồi đã mua hàng trước đó. Tránh việc ham món hàng quá rẻ, chuyển tiền trước mà không chắc chắn...
Chị Nguyễn Hồng Hạnh, chuyên gia marketing khuyến cáo mọi người cần cảnh giác với các chiêu trò khuyến mại "khủng" trên các mạng xã hội như Facebook, messenger...
Đối với thực phẩm ăn Tết, nhất là thực phẩm tươi sống cần hết sức cẩn trọng vì đây là nhóm sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao nhất. Ngoài ra, còn có khả năng thực phẩm bị nhiễm hóa chất bảo quản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất tạo màu độc...
Người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm có nhãn mác đầy đủ, sản xuất ở những doanh nghiệp uy tín, đủ điều kiện bảo quản đạt chuẩn...