Về thành phần, có sản phẩm chiết xuất từ dược liệu thiên nhiên, có sản phẩm tinh chế nhân tạo hoặc hỗn hợp cả 2 loại. Về công dụng, hầu như tất cả các bộ phận của nhân thể, tất cả các loại bệnh lý, tất cả các đối tượng nam, phụ, lão, ấu... đều có các chủng loại TPCN thích hợp đáp ứng nhu cầu dự phòng và hỗ trợ trị liệu bệnh, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, có một xu hướng cần phải được tư vấn và điều chỉnh, đó là việc lạm dụng các TPCN.
Lẽ thường, vì được mang tên và đăng ký là “thực phẩm”, cho nên không ít người nghĩ rằng, có thể dùng các sản phẩm này một cách thoải mái, không cần để ý nhiều đến liều lượng và liệu trình sử dụng. Nhận thức này không chính xác, thậm chí có thể cho là sai lệch, vì tuy còn nhiều điều cần phải bàn luận, nhưng TPCN có thể hiểu một cách đơn giản là loại thực phẩm nằm giới hạn giữa thực phẩm truyền thống (Food) và thuốc (Drug). TPCN thuộc khoảng giao thoa (còn gọi là vùng xám) giữa thực phẩm và thuốc. Vì thế người ta còn gọi TPCN là thực phẩm - thuốc (Food - Drug). Tuy nhiên, TPCN (Functional Food) khác với thực phẩm truyền thống ở chỗ: Được sản xuất, chế biến theo công thức: Bổ sung một số thành phần có lợi hoặc loại bớt một số thành phần bất lợi (để kiêng). Việc bổ sung hay loại bớt phải được chứng minh và cân nhắc một cách khoa học và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép (thường là phải theo tiêu chuẩn). Hơn nữa, TPCN có tác dụng với sức khỏe nhiều hơn là các chất dinh dưỡng thông thường. Nghĩa là, TPCN ít tạo ra năng lượng (calorie) cho cơ thể như các loại thực phẩm truyền thống như các loại thực phẩm gạo, thịt, cá… Và liều sử dụng thường nhỏ hơn, thậm trí tính bằng miligram, gram giống như thuốc. Ngay cả đối tượng sử dụng cũng có chỉ định rõ rệt như người già, trẻ em, phụ nữ tuổi mãn kinh, người có hội chứng thiếu vi chất, rối loạn chức năng sinh lý nào đó… Vậy nên, việc sử dụng TPCN hoàn toàn không thể tùy tiện và lạm dụng. Ngay cả đối với các thành phần dinh dưỡng thông thường, chúng ta cũng phải dùng có hạn độ, chứ chưa nói đến các thành phần chức năng có tác dụng như thuốc với tính chất “hai mặt” của chúng. Vả lại, hiện nay, do nhiều lý do khác nhau, không ít nhà sản xuất đã tung ra thị trường những sản phẩm tiếng là “TPCN có nguồn gốc thiên nhiên” nhưng kỳ thực lại hoàn toàn là thuốc với thành phần gồm các dược liệu có tính chất chữa bệnh chứ không hề có công năng bổ dưỡng.
Theo quan niệm của dinh dưỡng học và y học cổ truyền “Thức ăn là thuốc, thuốc là thức ăn”, “Hãy để thực phẩm là thuốc của bạn, thuốc là thực phẩm của bạn”, “Dược thực đồng nguyên” (thức ăn và thuốc có cùng nguồn gốc), “Thực vật, bệnh nhân phục chi, bất đãn liệu bệnh, tính khả sung cơ. Bất đãn sung cơ, cánh khả thích khẩu. Dụng chi đối chứng, bệnh tự tiệm dụ, tức bất đối chứng, diệc vô tha hoạn” (Đồ ăn thức uống không chỉ để ăn cho no mà còn dùng để chữa bệnh, dùng đúng thì bệnh tự khỏi dần), “Thức ăn cũng có ba bốn phần là thuốc”... Vậy nên, để sử dụng TPCN hiệu quả và phòng tránh được những tác dụng không mong muốn, người tiêu dùng cần phải tuân thủ 2 nguyên tắc sau đây của thực liệu cổ truyền:
- Xem xét tỉ mỉ, tùy theo thể chất, tuổi tác, nghề nghiệp, chứng trạng, mạch tượng… mà phân biệt âm dương, biểu lý, hàn nhiệt, hư thực rồi trên cơ sở đó chỉ định lựa chọn, chế biến, sử dụng các loại TPCN cho phù hợp. Ví như người có chứng tỳ vị hư hàn thì phải trọng dụng chủng loại có tính âm nóng, người bị liệt ương thể âm hư thì phải trọng dụng chủng loại có công năng dưỡng âm…
- Tùy người, tùy điều kiện địa lý, khí hậu và môi trường sống và tùy mùa, tùy thời gian mà lựa chọn và sử dụng các TPCN cho phù hợp, nhằm đạt hiệu quả cao nhất và phòng tránh được những tác dụng không mong muốn.
Cổ nhân có câu: “Thái quá thì bất cập”, “Vật cực tắc phản”, “Âm cực sinh dương”, “Dương cực sinh âm”..., điều đó có nghĩa, mọi việc phải có chừng có mực, phải ở thế cân bằng thì mới mong tồn tại và phát triển. Vấn đề sử dụng các loại TPCN để dự phòng và hỗ trợ trị liệu bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cũng không ngoài phạm vi đó.
Ảnh minh họa.
|