Điểm đáng chú ý là nhiều mặt hàng tuy “ba không” (không nhãn mác, không nguồn gốc, không hạn sử dụng) nhưng chỉ cần khách yêu cầu, người bán sẽ “phù phép” cho sản phẩm có ngay thương hiệu như ý và tất cả đều được bán buôn theo cân.
Những ngày đầu tháng chạp, dạo một vòng các chợ bán buôn lớn tại TP Hồ Chí Minh như: Chợ Bình Tây (Q.6), chợ An Đông (Q.5), chợ Bến Thành (Q.1)...và các chợ bán lẻ như chợ Bà Triệu (Q. Thủ Đức), chợ Thị Nghè (Q. Bình Thạnh)… chúng tôi chứng kiến không khí tấp nập chuẩn bị hàng Tết của các tiểu thương tại đây. Tất cả các quầy hàng đều tận dụng từng chút diện tích để kê thêm tủ, nâng cao kệ sạp, phô trương hàng hóa nhằm thu hút người mua.
Nhiều mặt hàng không nhãn mác, không nguồn gốc, không hạn sử dụng.
Mặt hàng bánh kẹo, mứt tết được coi là “chủ lực” mùa này nên nhộn nhịp hơn hẳn. Khu bánh kẹo, mứt, quầy nào cũng có những ô bánh kẹo, mứt vun cao, đầy ăm ắp với đủ các loại từ bánh quy, bánh xốp, kẹo cứng, kẹo mềm, kẹo dẻo, kẹo trái cây, kẹo sữa, socola, mứt bí, mứt mãng cầu… đủ vị và nhiều màu sắc rực rỡ. Điểm chung của các mặt hàng này phần lớn đều được “đổ đống” trong các bọc ni lông lớn hoặc những rổ nhựa để khách hàng dễ chọn lựa. Hiện, các sản phẩm chưa tăng giá, trung bình từ 50.000 đồng – 240.000 đồng/kg tùy loại.
Tại chợ Bình Tây, rất nhiều loại mứt như mứt nho, mứt khoai lang, mứt dừa... đều được để tênh hênh, không che đậy, mặc cho gió bụi, ruồi ong có thể “nếm” mứt. Thỉnh thoảng người bán hàng cầm chiếc quạt tay phẩy nhẹ lấy lệ mỗi khi có khách đến xem hàng. Hầu hết, khách đến đây đều là các mối chủ yếu mua đi bán lại nên rất ít quan tâm đến nhãn mác hàng hóa.
Ở một góc của sạp H.H, chúng tôi thấy tiểu thương sạp này trút một bọc lớn mứt gừng không nhãn mác ra cái mâm to, hai ba người khác dùng muỗng múc từng vốc nhỏ cho vào giấy bóng kính có in hình hoa mai, hoa đào gói lại.
Khách có thể mua lẻ theo cân hoặc mua theo bịch đã được đóng gói với thương hiệu “Tắc gừng đặc biệt Hương”. Theo nhân viên sạp này cho biết, mứt đổ đống này chỉ cần đóng gói, mứt tự dưng “lên đời”. Nếu mứt gừng chưa đóng gói có giá 80.000 đồng/kg, sau khi đóng gói thì giá sẽ tăng lên 90.000 đồng - 100.000 đồng/kg. “Chiêu” này không chỉ “lấy lòng” được khách trong nước mà du khách nước ngoài tham quan cũng mua nhiều vì tin tưởng vào mứt có nguồn gốc.
Khi hỏi xuất xứ các loại mứt và bánh kẹo này, hầu hết các chủ sạp đều cho rằng, kẹo được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, quan sát nhiều nhãn bánh mứt, chúng tôi thấy toàn tiếng Trung Quốc, Thái Lan và không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt ghi thông tin cần biết về sản phẩm. “Mặt hàng này ngày tết rất hút, lấy tới đâu bán hết tới đó, làm gì có hàng tồn mà sợ hết hạn” – một tiểu thương tại chợ nói.
Năm nay, ngoài các tiểu thương có sạp hàng ở các chợ bán các loại bánh kẹo, mứt tết “ba không” còn có hàng rong cũng bán mặt hàng này. Tại các chợ tạm ở khu vực quận Thủ Đức, quận 12..., người bán liên tục rao các loại mứt dừa được các lò bánh kẹo ở Bến Tre sản xuất có giá cực rẻ nhưng chất lượng thì không chê vào đâu được.
Chị Nga bán rong các loại mứt tết “ba không” tại khu vực gần khu công nghiệp Tân Bình (Q. Tân Bình) cho biết: “Ngày thường tôi bán nước giải khát, gần tết thì mua thêm bánh mứt về bán. Năm ngoái, tôi bán được 300kg bánh mứt cho công nhân. Do giá cả các loại mứt này khá rẻ, chỉ 15.000 đồng – 25.000 đồng/túi (0,5kg) nên rất chạy hàng. Năm nay, tôi nhập hàng về gần 500kg các loại bánh kẹo, mứt tết để bán dần cho đến tết”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh khuyến cáo: “Đến hẹn lại lên, những dịp lễ, Tết là cơ hội cho các sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm trôi nổi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không nhãn mác… tràn thị trường.
Hiện, các Sở ban ngành đang thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Nhưng người dân cũng cần phải biết tự bảo vệ mình bằng cách “nói không” với hàng hóa giả rẻ, không rõ nguồn gốc.
Với sản phẩm có màu sắc sặc sỡ, lạ mắt cũng nên cẩn trọng vì có thể người sản xuất sử dụng phụ gia như chất bảo quản, chất tạo ngọt, chất tẩy nấm mốc, chất tẩy trắng, sát trùng... để phòng thối rữa, chống chảy nước, mốc, rất độc hại cho người ăn. Tốt nhất chỉ nên mua hàng tại những cơ sở sản xuất uy tín, có nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng, thành phần... rõ ràng”.
Mới đây, UNBD TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch thanh kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm dịp tết Nguyên Đán. Trong đó chú trọng đến thịt, các sản phẩm từ thịt, rượu bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, rau quả… Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ lập ba đoàn thanh tra liên ngành gồm Sở Y tế, Sở NN-PTNT, Sở Công thương, công an TP và các chi cục chuyên ngành.
24 quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng sẽ thành lập 24 đoàn kiểm tra, cùng với 322 đoàn liên ngành cấp phường, xã, thị trấn sẽ chịu trách nhiệm giám sát, xử lý các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương, theo chỉ đạo của TP.