Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cẩn trọng với chè nhiều màu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chè là món ăn giải nhiệt được ưa thích trong thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, để chè có nhiều màu sắc, mùi vị, người bán có thể đã sử dụng phẩm màu hóa học để chế biến.

Các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng cần cảnh giác với các loại chè này để tránh “rước” độc tố vào người.

Một vốn bốn lời

Tại một hàng chè ở khu vực chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), các loại chè như chè hạt lựu, chè khoai môn, chè cốm và các loại thạch đủ màu sắc được đựng trong các âu thủy tinh trông rất bắt mắt. Tuy nhiên, chỉ nhìn bằng mắt thường cũng thấy món chè cốm ở đây có màu xanh đậm, không giống với màu cốm tự nhiên. Món chè khoai môn sền sệt cũng có màu tím ngắt (trong khi món chè khoai môn nấu tự nhiên chỉ có màu tím nhạt). Như vậy, nếu quan sát kỹ, thực khách cũng không khó để đoán được rằng, rất có thể chủ hàng đã dùng phẩm màu để “biến hóa” cho những món chè này. Ấy vậy nhưng, quán chè ở đây vẫn tấp nập người ra, kẻ vào, mỗi ngày quán bán được từ 100 - 120 cốc chè, ngày cao điểm lên tới 150 cốc.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các chợ đầu mối lớn như chợ Đồng Xuân, Hà Đông, không khó để tìm được những cửa hàng chuyên bán các loại phụ gia thực phẩm, trong đó có các loại bột hóa học để “tẩm màu” cho các món chè, thạch. Thậm chí, các hương liệu tạo vị cốm, vị khoai môn, vị bưởi cũng sẵn sàng được cung cấp nếu khách hàng có yêu cầu. Tại một cửa hàng đồ khô trong chợ Hà Đông, khi phóng viên ngỏ ý muốn mua nguyên liệu làm thạch và hương liệu cho chè, chủ hàng rất nhiệt tình giới thiệu các gói bột xanh, đỏ, tím, vàng... với giá chỉ từ 20.000 - 40.000 đồng/kg. Thậm chí, chủ hàng còn tư vấn thêm, nếu muốn tiết kiệm đường thì nên mua thêm đường hóa học, khẳng định “chỉ cần 2, 3 hạt là bằng cả cân đường mía rồi”.

Chị Đào Thu Hà (quận Nam Từ Liêm) – người đã từng 3 năm mở hàng bán chè cho biết, nếu sử dụng nguyên liệu tự nhiên và đường mía thì một cốc chè bán ra chỉ lãi khoảng 2.000 - 3.000 đồng. Nhưng nếu dùng đường hóa học và các phẩm màu thì có thể lãi gấp đôi, thậm chí hơn. “Một vốn bốn lời nên điều này xảy ra là khó tránh khỏi” - chị Hà chia sẻ.

Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, những thức ăn có chứa phẩm màu trong danh mục được phép sử dụng làm phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế nếu dưới mức giới hạn dư lượng cho phép thì không gây ảnh hưởng cho sức khỏe. Tuy nhiên hiện nay, vì giá thành các loại phẩm màu và hương liệu nguồn gốc tự nhiên khá cao nên nhiều người thường chạy theo lợi nhuận dẫn đến việc lạm dụng quá mức các hóa chất tạo màu và tạo mùi, hoặc sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm. Điều này rất nguy hại đối với sức khỏe người dùng. Nếu nhẹ có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa như nôn ói, đau bụng, nhức đầu nhưng nếu thường xuyên “nạp” vào cơ thể những chất này sẽ có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

TS Thịnh khuyến cáo, khi ăn chè tại các cửa hàng bên ngoài, cần để ý đến màu sắc và mùi vị của loại chè đó. Các loại màu hóa học thường đậm và bền màu hơn các hương liệu tự nhiên. Hơn nữa, nếu ngửi thấy cốc chè có mùi quá thơm cũng cần phải lưu ý, vì mùi tự nhiên sẽ thơm nhẹ, thoang thoảng, không nồng nặc như một số hóa chất tạo hương thơm. Ngoài ra, độ ngọt của cốc chè cũng cho thấy việc cửa hàng đó có sử dụng đường hóa học hay không: Đường tự nhiên có vị ngọt thanh, còn đường hóa học ngọt đậm, đôi khi ăn xong có cảm giác ngọt sắc ở cổ họng.
Việt Nam hiện đang cho phép sử dụng 23 nhóm phụ gia thực phẩm, bao gồm 337 chất và hương liệu. Tuy nhiên, chỉ từ 5 - 10% mặt hàng này được sản xuất tại Việt Nam, còn lại đều nhập khẩu, trong đó có 30% có nguồn gốc từ Trung Quốc. Những loại phụ gia không nguồn gốc gây tác hại đến sức khỏe của người sử dụng thường được dùng ở các cơ sở chế biến, kinh doanh nhỏ lẻ nên lực lượng chức năng không thể thống kê, kiểm soát được. Đây thực sự là nỗi lo ngại trong cuộc chiến chống thực phẩm “bẩn".
Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong

Hoàn toàn có thể kiểm tra được trong một cốc chè có sử dụng phẩm màu hay không thông qua bộ test định tính. Hiện nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra ATTP các cấp đều được cung cấp các bộ test này. Bên cạnh đó, từ nay đến giữa tháng 6/2016, Chi cục VSATTP TP Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh kiểm tra các cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu phụ gia thực phẩm để ngăn chặn tình trạng nhập tràn lan các chất phụ gia không được phép dùng trong chế biến thực phẩm.

Chi cục trưởng
 Chi cục VSATTP TP Hà Nội  Trần Ngọc Tụ