Cụ thể, trên các Fanpage và hội nhóm, một số người tự xưng là luật sư, chuyên gia và cam kết hỗ trợ lấy lại tiền cho những người đã bị lừa trước đó. Nhưng thực ra là đưa người “nhẹ dạ, cả tin” vào bẫy của chúng nhằm chiếm đoạt tài sản…
Thủ đoạn thông thường của chúng là sau khi có được niềm tin từ nạn nhân, nhóm lừa đảo sẽ yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, tình trạng và số tiền bị lừa. Đồng thời, để tạo lòng tin từ người dân, nhóm này cũng tự nhận là sở hữu hệ thống chuyên biệt, có khả năng truy quét được toàn bộ dữ liệu của tất cả nền tảng lừa đảo.
Để lấy lại số tiền bị lừa, nạn nhân sẽ được yêu cầu chuyển khoản thêm 2-5 triệu đồng vào "hệ thống" với lý do "cần xác minh thông tin ngân hàng". Nếu làm theo yêu cầu này, nạn nhân sẽ tiếp tục rơi vào bẫy và bị chiếm đoạt tài sản.
"Kẻ gian sau đó sẽ làm giả một hình ảnh với thông tin bao gồm họ tên của nạn nhân, số tiền bị lừa và thông tin ngân hàng. Trên thực tế, đây đều là những thông tin đã hỏi được từ nạn nhân trước đó" - Công an TP Hồ Chí Minh cảnh báo.
Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, khi bị lừa đảo cần trình báo với cơ quan công an, tuyệt đối không để "sập bẫy" lừa đảo hứa giúp lấy lại tiền và sẽ bị thiệt hại thêm tài sản.
Trong những năm gần đây, tình trạng lừa đảo qua mạng diễn ra tương đối phức tạp. Thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại nước ta tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Các “chiêu trò” phổ biến bon lừa đảo thường dùng như: đe dọa, cáo buộc tham gia và là đồng phạm với nhóm rửa tiền, buôn bán ma túy, vi phạm giao thông, vi phạm pháp luật, giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản.
Bên cạnh đó, chúng còn điều hướng nạn nhân đăng nhập vào đường link dẫn tới các trang website giả mạo, tải những ứng dụng giả mạo đã được lập sẵn có giao diện giống với những website thật khiến nạn nhân không nhận định được thật, giả. Kèm theo những lời cảnh báo, đe dọa sẽ bị khóa tài khoản ngân hàng cá nhân, bị cơ quan chức năng phong tỏa tài khoản, hoặc yêu cầu trong thời gian ngắn phải chuyển số tiền nhất định để nhận được những món quà có giá trị cao, số lượng có giới hạn và các hình thức kết hợp khác.
Để không trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần chủ động nâng cao nhận thức, kiến thức thông qua các phương tiện truyền thông về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Người dân cần bình tĩnh, không hoang mang, lo sợ khi nhận được các cuộc gọi đe dọa, giả danh công an, viện kiểm sát và tuyệt đối không truy cập, thay đổi mật khẩu tài khoản internet banking, cài các phần mềm lạ hoặc cung cấp tin nhắn chứa mã OTP của ngân hàng theo hướng dẫn của các đối tượng này; kịp thời báo tin đến cơ quan bảo vệ pháp luật để có biện pháp xử lý kịp thời.