Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cẩn trọng với chính sách thuế của Mỹ

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cắt giảm thuế lịch sử, các nền kinh tế thế giới và châu Á phải đối phó thế nào đang trở thành vấn đề nóng trong khu vực.

Với Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách cho rằng, đánh giá những tác động để có chính sách ứng phó là cần thiết.
Dự liệu dòng vốn FDI từ Mỹ

Hai trong số các điểm chính của luật trên bao gồm đề xuất giảm thuế DN xuống còn 21% từ mức 35% đối với DN có mức thu nhập trên 10 triệu USD. Bên cạnh đó, khoản đầu tư nước ngoài của các nhà đầu tư Mỹ nếu chuyển về nước cũng chỉ bị đánh thuế 10,5%. Công ty Nghiên cứu thị trường MarketIntello (Công ty MarketIntello) nhận định, giảm thuế xuống mức 20% sẽ tăng nhu cầu đầu tư của Mỹ khoảng 15% và tăng thêm 0,4% GDP mỗi năm. “Các hãng ngoại quốc được dự báo sẽ gia tăng đầu tư vào Mỹ và các hãng đa quốc gia của Mỹ sẽ bớt nhu cầu thuê ngoài”- báo cáo đánh giá.
 Lắp ráp ô tô tại Công ty Ford Việt Nam, khu công nghiệp Hải Dương.  Ảnh: Trần Việt 
Với Việt Nam, trong báo cáo gửi Thủ tướng, tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, chính sách thuế của Mỹ về lâu dài sẽ gây tác động không nhỏ tới Việt Nam. "Khi các nền kinh tế khác áp dụng biện pháp phòng vệ như điều chỉnh chính sách tỷ giá, kiểm soát ngoại tệ sẽ gây ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư quốc tế, qua đó tác động đến Việt Nam, đặc biệt gây ảnh hưởng tới tỷ giá"- tổ tư vấn đưa ra cảnh báo.

Tại Việt Nam, dòng vốn đầu tư FDI năm 2017 vẫn mạnh, đạt 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó chủ yếu là các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Nguồn vốn FDI từ Mỹ vẫn còn khiêm tốn, đứng thứ 9 trong số 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Điều đáng nói, bên cạnh vốn đăng ký mới, năm 2017 và tháng 1/2018, thì hoạt động góp vốn, mua cổ phần cũng như vốn tăng thêm lại là những mảng sáng của thu hút FDI, do các chính sách liên quan đến mua bán, sáp nhập (M&A) DN tại Việt Nam đã có sự minh bạch, rõ ràng và cởi mở hơn. Đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang chủ trương thúc đẩy mạnh mẽ cổ phần hóa và thoái vốn tại các DNNN, dự đoán, sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn gián tiếp này.

Tác động đến xuất khẩu và tài chính tiền tệ

Nhiều tổ chức quốc tế nhận định, việc giảm thuế DN của Mỹ có thể tạo ra làn sóng giảm thuế DN trên toàn cầu nên Việt Nam có thể chịu tác động gián tiếp. Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Đức, Trung Quốc, Mexico… đang gấp rút lên phương án điều chỉnh các chính sách nhằm đối phó với làn sóng công ty Mỹ rút về nước và xu hướng các công ty trong nước đầu tư vào Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải cạnh tranh thu hút đầu tư với nhiều nước khác, buộc các nhà hoạch định chính sách phải theo dõi để có những chính sách ứng phó.

So với các nước trong khu vực và thế giới, mức thuế DN của Việt Nam thuộc loại trung bình. Tuy nhiên, mức thuế tổng mà DN phải nộp cao, chủ yếu đến từ mức phí an sinh xã hội bắt buộc mà DN phải nộp thay cho người lao động. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong những nước châu Á thu hút mạnh FDI nhờ triển vọng tăng trưởng sáng sủa, kinh tế vĩ mô, chính trị ổn định và có quan hệ giao thương với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, WB cho rằng, chiến lược cần gắn thu hút FDI với môi trường quốc tế. Ngoài thuế, còn nhiều yếu tố như môi trường đầu tư thân thiện, quy định về đầu tư, hạ tầng, nhân lực và nhiều yếu tố khác. Đầu tư không thể tách khỏi năng lực cạnh tranh của quốc gia, khả năng sinh lợi cho DN. WB khuyến nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ DN mở rộng nguồn lực, tiếp cận nguồn vốn, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, môi trường pháp lý minh bạch.

Trong khi đó, MarketIntello lại lưu ý đến vấn đề xuất khẩu và chính sách tiền tệ. Đó là nếu hệ thống thuế mới này được áp dụng có thể gây tác động bất lợi cho các nước xuất khẩu sang Mỹ, trong đó có Việt Nam. NHNN Việt Nam nhiều khả năng sẽ không muốn cho đồng Việt Nam mất giá nhanh vì có thể làm tăng tỷ lệ lạm phát vốn đã vượt quá mục tiêu năm. Hậu quả là các sản phẩm của Việt Nam sẽ mất khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Việc triển khai chính sách thuế tại Mỹ sẽ gây áp lực khiến NHNN phải hành động để kiềm chế lạm phát và tạo điều kiện cho sự mất giá nhanh hơn của VND - Công ty MarketIntello phân tích.

"Chính sách cắt giảm thuế của Mỹ về lâu dài sẽ ảnh hưởng nguồn thu và rủi ro nợ công của kinh tế Mỹ. Từ đó sẽ tác động tới đồng USD và thị trường tài chính tiền tệ quốc tế, buộc NHNN phải theo dõi bám sát tình hình." - TS Cấn Văn Lực