Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần xem xét kỹ lưỡng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/10, UBND tỉnh Đồng Nai và báo Lao Động tổ chức Hội thảo “Dự án Cảng...

Kinhtedothi - Ngày 30/10, UBND tỉnh Đồng Nai và báo Lao Động tổ chức Hội thảo “Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành – Cần cơ chế đặc thù đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân”.

UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất thực hiện nhiều cơ chế đặc thù để hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư giai đoạn 1 đối với 2.750ha đất thuộc Dự án.

Nhiều đề xuất khủng

Ông Đinh Quốc Thái – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua, tỉnh Đồng Nai đã khẩn trương xây dựng “Đề án về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư người dân vùng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành” và “Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư” trình T.Ư phê duyệt làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện. Ngoài ra, tỉnh cũng đã tổ chức tham vấn ý kiến đại diện của 4.730 hộ dân với gần 15.000 nhân khẩu và 26 tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án bằng phiếu khảo sát. Kết quả 100% hộ dân và tổ chức đồng ý với chủ trương thực hiện dự án. Tuy nhiên, hiện tỉnh Đồng Nai đang còn vướng về các quy định của pháp luật, đặc biệt là quy định dự án phải được phê duyệt mới được GPMB.

Để đẩy nhanh tiến độ, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án riêng và tổ chức thực hiện độc lập. Đồng thời, cho phép tỉnh áp dụng phương thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, thiết kế, giám sát, thi công đầu tư xây dựng hạ tầng và ủy quyền cho tỉnh tự tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công, dự toán đối với 2 khu tái định cư là Bình Sơn và Lộc An – Bình Sơn để kịp thời bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa trắng thuộc dự án.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất một số chính sách đặc thù của Khung chính sách, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như điều kiện bố trí lại đất ở trong khu tái định cư; Bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi, thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi; Hỗ trợ giáo dục; Chính sách hỗ trợ đối với giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm (người có nhu cầu tìm việc làm mà chưa tìm được việc thì được hỗ trợ 3,1 triệu đồng/tháng – mức lương tối thiểu vùng trong 3 tháng/người); hỗ trợ y tế… Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ cho tạm ứng kinh phí để triển khai tái định cư đối với người dân nằm trong diện ảnh hưởng.

Sẽ tạo ra tiền lệ xấu

Đồng tình về việc cần xây dựng Khung chính sách đặc thù đối với công tác GPMB, tái định cư của dự án. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, đất Long Thành là đất nông nghiệp của dân, đất lâm trường của Nhà nước, các loại đất ở và một diện tích không nhỏ đất đầu cơ của các nhà đầu cơ rất lớn, do đó chính sách đền bù phải khác nhau để đảm bảo quyền lợi của những cá nhân, tổ chức có liên quan. Cũng theo ông Lịch, các cơ quan chức năng cần xây dựng một lộ trình cụ thể từ việc giải tỏa, thu hồi đến việc sử dụng đất sau giải tỏa, tránh tình trạng thu hồi xong để đấy. Liên quan đến vấn đề định giá đất, ông Đào Trung Chính - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho rằng, cần xã hội hóa việc định giá đất, huy động thêm các công ty tư vấn định giá đất...

Trước kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Nai về việc xin tạm ứng kinh phí để tiến hành tái định cư của dự án, Tiến sĩ Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, nếu ngân sách Nhà nước không đáp ứng được dòng tiền mà dự án yêu cầu thì nên nghĩ tới một cách huy động vốn khác. Theo ông Phước, Nhà nước nên xem xét phát hành một loại trái phiếu, mà các hộ bị ảnh hưởng của dự án sẽ là người mua. Tuy nhiên, theo ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, đề xuất phát hành một loại trái phiếu rồi bán cho đối tượng chịu tác động của dự án là chưa hợp lý và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cũng tại Hội nghị, trước những kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Nai về cơ chế bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tạo việc làm cho những người dân bị ảnh hưởng, nhiều đại biểu cho rằng, “chính sách đặc thù” mà tỉnh Đồng Nai đưa ra là quá cao so với những quy định hiện hành. Thậm chí, nhiều đại biểu cho rằng, nếu được thông qua, đây sẽ tạo ra những tiền lệ xấu, và gây khó khăn cho công tác xử lý sau này, tạo gánh nặng lên ngân sách Nhà nước, tăng mức đầu tư của dự án.
Theo Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 20/7/2005 Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai có tổng diện tích quy hoạch dự án khoảng 5.000ha, nằm trên địa phận 6 xã của huyện Long Thành bao gồm: Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Bàu Cạn, Long An, Long Phước.