Canada sẽ phụ thuộc hơn vào Mỹ sau khi hiệp định CETA đổ vỡ?

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện, 75% kim ngạch xuất khẩu của Canada là sang Mỹ.

Kỳ vọng hoàn tất Hiệp định Kinh tế và Thương mại Toàn diện Liên minh châu Âu - Canada (CETA) đã bị dập tắt khi vấp phải phản đối từ chính quyền liên bang Bỉ. Thất bại trong đàm phán thỏa thuận thương mại tự do với EU sẽ khiến Canada phụ thuộc hơn vào Mỹ và có thể gây phức tạp cho đàm phán thương mại với các quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc.
Nếu đàm phán thành công, CETA có quy mô lớn hơn cả Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) khi cho phép các DN Canada tiếp cận thị trường 500 triệu dân của EU, dự kiến tăng 20% kim ngạch thương mại song phương.  
“Canada là một trong những quốc gia phụ thuộc nhiều về thương mại trên thế giới… Thất bại này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng”, theo cựu Thủ hiến bang Quebec Jean Charest. Đàm phán CETA thất bại sẽ khiến Canada khó khăn trong vực dậy ngành xuất khẩu, và trở nên quá phụ thuộc vào Mỹ, trong bối cảnh cả hai ứng viên Tổng thống đều đang muốn sửa đổi NAFTA. Hiện, 75% kim ngạch xuất khẩu của Canada là sang Mỹ.
Chính quyền Ottawa đặt nhiều kỳ vọng vào CETA khi NAFTA gặp áp lực phải sửa đổi còn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị Quốc hội Mỹ từ chối thông qua và cả hai ứng viên Tổng thống đều tỏ ý kiến phản đối. Vì thế, để đạt được CETA, Canada thậm chí đồng ý giảm việc bảo hộ các nhà đầu tư trong nước để tạo điều kiện cho các DN từ Lục địa già.
Bên cạnh CETA, để thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu với Mỹ, Thủ tướng Justin Trudeau cũng tập trung thúc đẩy các FTA với hai thị trường châu Á lớn là  Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, nguồn tin thân cận của Reuters khẳng định, Ottawa sẽ rất khó khăn để hoàn thành các đàm phán FTA còn lại, sau khi CETA đổ vỡ. Theo Giáo sư Michael Hart của Đại học Carleton, thất bại này cho thấy sự quay lưng với toàn cầu hóa nhằm bảo hộ DN nội địa đang gia tăng. Quá trình đàm phán với Ấn Độ đang chững lại, trong khi chính quyền đảng Tự do đang chia rẽ về vấn đề thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Những khảo sát cho thấy, hầu hết người dân Canada phản đối ý tưởng đàm phán FTA với Trung Quốc, dù đã  nhen nhóm suốt gần một thập kỷ qua. Đây cũng là dấu hiệu đáng ngại cho một FTA đầy tham vọng khác: Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và EU, đang vấp phải phản đối gay gắt từ hai bờ Đại Tây Dương.
Tình thế này trái ngược với làn sóng ủng hộ thương mại tự do và toàn cầu hóa mạnh mẽ trong suốt 25 qua giữa các nền kinh tế hàng đầu, từ sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Quan ngại trước lựa chọn rời EU của Anh hồi tháng 6 và luận điệu chủ nghĩa bảo hộ của ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong vài tháng qua, giới lãnh đạo toàn cầu đang tìm cách giảm tốc hội nhập. Trong hội nghị ở Washington hồi đầu tháng 10, Bộ trưởng Tài chính các nước G20 thừa nhận, tăng trưởng kinh tế hiện không “công bằng” và cần nỗ lực thêm để hạ biên giới các nước xuống.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần