Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Càng hướng dẫn càng rối

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Riêng đối với môn lịch sử lớp 12, GV không chỉ bó gọn trong chuẩn mà phải mở rộng thêm kiến thức trong SGK.

KTĐT - Riêng đối với môn lịch sử lớp 12, GV không chỉ bó gọn trong chuẩn mà phải mở rộng thêm kiến thức trong SGK. Thông tin này khi được triển khai về trường đã gây hoang mang cho GV đang giảng dạy lớp 12.

Bộ chuẩn kiến thức kỹ năng từng được kỳ vọng sẽ giúp thầy và trò thoát khỏi gánh nặng kiến thức "mênh mông" trong sách giáo khoa lại đang khiến cả giáo viên lẫn học sinh khốn đốn.

Đầu năm học mới, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn kiểm tra đánh giá theo chuẩn kiến thức kỹ năng chương trình THPT ở ba miền với sự tham dự của chuyên viên, giáo viên (GV) chủ chốt ba môn văn, sử, địa tất cả các tỉnh thành.

"Chỉ có những HS giỏi mới theo nổi khối kiến thức trong sách giáo khoa"

Thầy Đặng Duy Định, tổ trưởng tổ địa lý Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP.HCM

Hướng dẫn từ cấp bộ lần này khẳng định: "Chương trình THPT (ban hành năm 2006) là tài liệu ngắn gọn nhất, là pháp lệnh buộc tất cả các cấp các ngành phải tuân theo. Sách giáo khoa (SGK) là tài liệu viết cho HS học trên lớp và ở nhà, là tài liệu để GV chuẩn bị bài giảng. Còn chuẩn kiến thức kỹ năng giúp GV xác định những kiến thức tối thiểu. Giáo án phải chuyển tải được chuẩn nhưng không thoát ly khỏi SGK, GV dạy học bám sát chuẩn nhưng không được cắt xén, lược bỏ kiến thức trong chương trình”.

Riêng đối với môn lịch sử lớp 12, GV không chỉ bó gọn trong chuẩn mà phải mở rộng thêm kiến thức trong SGK. Thông tin này khi được triển khai về trường đã gây hoang mang cho GV đang giảng dạy lớp 12.

Càng hướng dẫn càng rối

Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 với sự cố HS mất 1/4 số điểm bài thi vì trót học và làm bài theo sách Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức kỹ năng môn lịch sử, nhiều GV bộ môn này tiên liệu năm nay sẽ rất khó khăn cho cả thầy lẫn trò trong việc dạy và học môn này.

“Rút kinh nghiệm thương đau” từ đáp án kỳ thi năm trước, ngay trong hè nhiều GV lịch sử tại TP.HCM đã soạn lại đề cương giảng dạy theo hướng bám sát kiến thức SGK 12. Nay họ lại được hướng dẫn dạy theo chuẩn nhưng không được thoát ly SGK, không được lược bỏ chương trình.

Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều kiến thức có trong SGK nhưng không có trong chuẩn. Ngược lại nhiều ý có trong chuẩn lại nằm trong phần đọc thêm của SGK, thậm chí không có trong SGK. Học chuẩn không học SGK cũng không đủ, ngược lại học SGK cũng sợ thiếu.

Để có thể gói đầy đủ kiến thức trong SGK và bám sát chuẩn, thay cho đề cương môn lịch sử khoảng 40-50 trang A4 của năm trước, tài liệu giảng dạy năm nay dày đến 70 trang nhưng vẫn chưa thể an lòng, bởi có trời mới biết đề thi và đáp án căn cứ theo sách nào.

Môn địa lý cũng được hướng dẫn dạy bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng. Thế nhưng theo nhận định của nhiều GV bộ môn này, nhiều kiến thức, thậm chí một số phần bài trong SGK không có trong chuẩn. Chưa kể một số phần trong chuẩn không ổn về kiến thức.

Theo chuẩn không an tâm, còn nếu theo SGK thì sao? Thầy Đặng Duy Định, tổ trưởng tổ địa lý Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP.HCM), cho rằng: "Chỉ có những HS giỏi mới theo nổi khối kiến thức trong SGK".

Hầu hết GV đều phải soạn một đề cương ngắn gọn, sơ lược hay chi tiết tùy vào đối tượng HS của mình. Cũng như lịch sử, với cách làm này, GV môn địa cũng không dám kỳ vọng HS mình sẽ đạt yêu cầu đề thi và đáp án.

Thầy trò cùng chạy

Đặc biệt, với HS giáo dục thường xuyên vốn đa số có trình độ yếu hơn so với các trường THPT, tình hình càng căng thẳng hơn.

Cô Nguyễn Kim Trang, GV Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.1, cho biết: “Chúng tôi chưa nhận được hướng dẫn nào từ Vụ Giáo dục thường xuyên nên cứ theo SGK, theo phân phối chương trình mà dạy. Sách hướng dẫn chuẩn kiến thức kỹ năng chỉ để tham khảo, HS cũng có mua để học cho ngắn gọn, từ năm ngoái đến giờ tôi vẫn bám sát SGK”.

Trong khi đó, cùng nơi này, GV môn địa lý lại được hướng dẫn dạy bám theo chuẩn (?!).

Hóa ra khi bộ không có hướng dẫn gì, GV yên tâm giảng dạy với SGK. “Từ lúc nhận được hướng dẫn đến giờ, dư luận GV vốn hoang mang từ năm trước giờ càng hoang mang, mất phương hướng hơn” - cô Nguyễn Thị Ái Hằng, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Trần Phú, TP.HCM, tâm tư.

Thầy Tống Giang, tổ trưởng bộ môn lịch sử Trường THPT Phạm Thái Bường (Trà Vinh), nói: “SGK mênh mông quá! Thực tế chúng tôi không có đủ thời gian giảng dạy. Không có cách gì dạy hết kiến thức trong SGK, phải rút ngắn thôi! Do đó, chúng tôi làm đề cương và dạy theo chuẩn kiến thức kỹ năng, cuối năm nếu có thi tốt nghiệp sẽ mở rộng kiến thức”.