Sau một loạt vụ "trừng phạt" nhằm vào Lotte - tập đoàn đã đồng ý đổi đất để triển khai THAAD, Trung Quốc tiếp tục gia tăng hành động mà Hàn Quốc nhận định là "leo thang trong cuộc chiến thương mại". Vài ngày sau khi trang web của chuỗi cửa hàng miễn thuế Lotte Duty Free, thuộc tập đoàn Lotte bị tấn công mạng, phong trào tẩy chay và "đẩy" hàng hóa của Lotte cùng nhiều DN Hàn Quốc khỏi kệ hàng tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn đã diễn ra trên diện rộng. Đặc biệt, lệnh cấm du khách Trung được sang Hàn Quốc theo hình thức đi tour và du lịch cá nhân được cho là thông điệp phản đối triển khai THADD rõ ràng nhất mà Bắc Kinh muốn gửi tới Seoul.
Du khách Trung Quốc mua sắm tại các cửa hàng miến thuế ở Hàn Quốc. |
Các nhà đầu tư rất lo lắng về sự leo thang căng thẳng và sự sụt giảm tăng trưởng du lịch sau lệnh cấm này từ phía Trung Quốc. Cổ phiếu của các công ty Hàn Quốc và các DN miễn thuế lớn ở Seoul đã lao dốc từ cuối tuần trước. Cụ thể, cổ phiếu của hãng hàng không Jeju Air - hãng chuyên chở du khách Trung Quốc đến điểm du lịch yêu thích là đảo Jeju đã giảm 5,6%; cổ phiếu của tập đoàn Hotel Shilla (chuyên kinh doanh khách sạn và cửa hàng miễn thuế) giảm tới 13%. Trong khi đó, Công ty du lịch Hanatour và hãng mỹ phẩm Amorepacific - tập đoàn có nhiều dòng mỹ phẩm được khách Trung Quốc ưa chuộng đều bị giảm 7%. Từ cuối năm ngoái, các hãng mỹ phẩm và các nghệ sĩ nổi tiếng Hàn Quốc đã trở thành "nạn nhân" trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Trước diễn biến này, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Trung Quốc đã thành lập một nhóm đối phó khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn cho công dân Hàn tại Trung Quốc và giảm thiểu thiệt hại cho DN sau các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh. Đặc biệt, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Joo Hyung-hwan tuyên bố, Chính phủ nước này sẽ có biện pháp đáp trả đối với những trừng phạt thương mại từ phía Trung Quốc. Theo đó, ông Joo khẳng định, Seoul sẽ hành động theo đúng luật pháp quốc tế để chống lại bất kỳ hành động nào vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hoặc thỏa thuận thương mại tự do giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Bộ Thương mại Hàn Quốc nhấn mạnh, nước này sẽ bắt đầu kiểm tra việc xuất khẩu sang Trung Quốc để xem các nhà xuất khẩu Hàn Quốc có bị đối xử bất công hay không nhằm phản ứng nhanh nhất có thể.
Cuộc chiến thương mại Trung - Hàn có thể tiếp tục gia tăng căng thẳng trong thời gian tới, tuy nhiên, nhiều khả năng Bắc Kinh không muốn đẩy mọi chuyện đi quá xa, nhất là khi kinh tế tăng trưởng chậm lại. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, ngược lại Seoul là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại bắt nguồn từ vấn đề chính trị giữa 2 nước chứ không phải người dân Trung Quốc nào cũng đồng tình với phong trào tẩy chay này. Đơn cử như làn sóng tẩy chay hàng hóa Nhật Bản năm 2012 cuối cùng cũng kết thúc mà không làm thay đổi nhu cầu về các sản phẩm của Nhật hoặc khiến các DN Nhật tại Trung Quốc đóng cửa.