KTĐT - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 10 tháng năm 2010 đã tăng tới 7,58% so tháng 12/2009, tăng 9,66% so cùng kỳ năm trước và CPI bình quân mười tháng năm nay tăng 8,75% so bình quân mười tháng năm 2009.
Với mức tăng này, việc "neo" mức lạm phát cả năm 8% theo mục tiêu đặt ra từ đầu năm nay là rất khó.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, CPI tháng 10 đã thiết lập kỷ lục trong 15 năm lại đây đưa ra một hệ quả tất yếu phải lo về thị trường tiêu dùng trong 2 tháng cuối năm. Với diễn biến bất lợi của thiên tai trên thế giới và trong nước, giá lương thực, thực phẩm (nhóm hàng có quyền số cao nhất trong rổ hàng hóa chung) sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tháng 11, nhất là tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc cũng như miền Trung bởi nguồn cung về thực phẩm chủ yếu như thịt bò, thủy sản, thịt lợn… sẽ khan hiếm hơn. Sau đợt lũ lụt vừa qua, các địa phương cung cấp thực phẩm chủ yếu cho Hà Nội và các tỉnh lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh bị thiệt hại nặng nề, số lượng gia súc, gia cầm bị mất trắng là khá lớn.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, với khí hậu thời tiết như hiện nay, thì nạn khan hiếm thực phẩm là không thể không tránh khỏi. Mặt hàng này trong 2 tháng cuối năm lại càng đứng trước nguy cơ tăng giá cao khi mà tháng Tết, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh và theo quy luật giá cũng theo đó đi lên.
Một số chuyên gia cũng cảnh báo rằng, trong khi nền kinh tế vẫn tồn tại nhiều đặc điểm bất lợi (cán cân thanh toán quốc tế chưa bền vững, thâm hụt ngân sách cao, dự trữ ngoại tệ thấp), để kiểm soát mặt bằng giá cuối năm 2010 và đầu năm 2011, các nhà hoạch định chính sách cần có sự tính toán giữ cân đối cung cầu. Bên cạnh đó, cần kiểm soát thời gian tăng giá của một số mặt hàng trọng yếu như mặt hàng xăng, dầu; lương thực... đặc biệt là giữ ổn định về chính sách tiền tệ. Các chương trình kích thích vào sản xuất hàng hoá đáp ứng nhu cầu trong những tháng cuối năm cần tiếp tục đẩy mạnh.
Sáng 25/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng cho biết, cơ quan này sẽ tăng cường thanh kiểm tra giá cả dịp cuối năm, đặc biệt với những hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải đăng ký và niêm yết giá. Đây là một trong những nỗ lực nhằm "ghìm cương" lạm phát 2 tháng cuối năm. Theo ông Ninh, với các mặt hàng nhạy cảm, thuộc diện phải đăng ký, niêm yết giá, Bộ Tài chính sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra gắt gao việc thực hiện quy định. Các lực lượng chức năng về quản lý giá sẽ làm rõ giá cả các mặt hàng nhạy cảm được hình thành ra sao, tránh việc tăng giá không hợp lý.