Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Căng thẳng Nga - Ukraine có thể kéo dài khủng hoảng lương thực toàn cầu

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết vấn đề thiếu ngũ cốc và phân bón có thể gây ra nạn đói hàng loạt.

Trước đó, LHQ cảnh báo chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, thậm chí có thể kéo dài trong nhiều năm tới nếu không được kiểm soát kịp thời. Ngân hàng Thế giới (WB) công bố sẽ tài trợ thêm 12 tỷ USD để giảm thiểu tác động từ cuộc khủng hoảng này.

Một binh sĩ Ukraine tới kiểm tra kho ngũ cốc gần Kherson, Ukraine sau khi bị Nga tấn công. Ảnh: Getty Images
Một binh sĩ Ukraine tới kiểm tra kho ngũ cốc gần Kherson, Ukraine sau khi bị Nga tấn công. Ảnh: Getty Images

Tổng thư ký LHQ António Guterres cho biết tình trạng thiếu ngũ cốc và phân bón, biến đổi khí hậu cùng các vấn đề về nguồn cung do đại dịch Covid-19 gây ra đang có nguy cơ khiến hàng chục triệu người mất an ninh lương thực. Ngoài ra, thị trường tài chính đang phải chứng kiến ​​giá cổ phiếu tiếp tục giảm mạnh cùng những lo ngại về lạm phát và suy thoái kinh tế trên toàn thế giới.

Phát biểu tại một cuộc họp của LHQ ở New York về an ninh lương thực toàn cầu, ông António Guterres cho hay thế giới sẽ có nguy cơ phải đối mặt với nạn đói hàng loạt kéo dài trong nhiều năm. Ông đang nỗ lực liên hệ với Nga và các quốc gia khác để tìm ra giải pháp cho vấn đề này.

“Các tác động phức tạp về an ninh, kinh tế và tài chính đòi hỏi thiện chí của tất cả các bên để đạt được một thỏa thuận hoàn toàn,” Ông António Guterres nói về các cuộc thảo luận của LHQ với Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Liên minh châu Âu và các nước khác. 

Nhóm G7 cho rằng việc phong tỏa Biển Đen của Nga đang đẩy hàng triệu người lâm vào nạn đói.

Căng thẳng Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế đối với Nga đã làm gián đoạn nguồn cung phân bón, lúa mì và các mặt hàng khác từ cả hai nước, đẩy giá lương thực và nhiên liệu lên cao, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. 

Trước đó, Ukraine được coi là giỏ bánh mì của châu Âu khi xuất khẩu 4,5 triệu tấn nông sản mỗi tháng qua các cảng của nước này, bao gồm 12% lúa mì, 15% ngô và một nửa dầu hướng dương của cả thế giới.

Nhưng khi cảng Odesa, Chornomorsk và những cảng khác bị tàu chiến của Nga ngăn chặn, nguồn cung từ Ukraine chỉ có thể vận chuyển qua các tuyến đường bộ.

Ông Guterres khẳng định không có giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng hữu hiệu hơn việc tái liên kết sản xuất lương thực của Ukraine. Nga phải cho phép và đảm bảo an toàn khi xuất khẩu ngũ cốc tại các cảng của Ukraine.

Giá năng lượng tăng cao cũng là nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng do việc sản xuất phân bón và vận hành thiết bị nông nghiệp trở nên đắt đỏ hơn. Nga là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về một số loại phân bón và khí đốt tự nhiên.

Các nhà ngoại giao cho biết, phân bón tuy không phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây nhưng hoạt động giao thương lại bị gián đoạn do Moscow hạn chế xuất khẩu.

Ngân hành Thế giới (WB) dự kiến tăng tổng số tiền tài trợ cho các dự án trong 15 tháng tới lên 30 tỷ USD nhằm thúc đẩy sản xuất lương thực và phân bón, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, đồng thời hỗ trợ các hộ gia đình và nhà sản xuất.

Trước đó, WB đã công bố gói tài trợ trị giá 18,7 USD cho các dự án liên quan đến “vấn đề an ninh lương thực và dinh dưỡng” ở châu Phi, Trung Đông, Đông Âu, Trung Á và Nam Á.

Chủ tịch WB David Malpass cho biết: “Các quốc gia nên nỗ lực phối hợp để tăng cường cung cấp năng lượng và phân bón, giúp nông dân tăng diện tích trồng trọt và sản lượng cây trồng, đồng thời xóa bỏ các chính sách ngăn cản xuất khẩu và nhập khẩu, chuyển hướng thực phẩm sang nhiên liệu sinh học”.