Sự hồi sinh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda, phiến quân Taliban và sự lớn mạnh của các tổ chức Hồi giáo cực đoan mới như "Bình minh Libya", tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)… khiến cộng đồng quốc tế không khỏi lo lắng. Ngày 4/9, cơ quan an ninh nội địa Ấn Độ đã ban bố báo động an ninh tại một số bang sau khi thủ lĩnh mạng lưới khủng bố al-Qaeda Ayman al Zawahri tuyên bố thành lập chi nhánh ở tiểu lục địa Ấn Độ. Trước đó, trong một đoạn băng video đăng trên các diễn đàn thánh chiến, thủ lĩnh al-Qaeda Zawahri tuyên bố, mạng lưới này đã mở rộng địa bàn hoạt động sang tiểu lục địa Ấn Độ nhằm hồi sinh Nhà nước Hồi giáo tại Myanmar, Bangladesh và một số vùng của Ấn Độ. Cùng ngày, các tay súng và những kẻ đánh bom liều chết thuộc nhóm phiến quân Taliban tại Afghanistan đã tấn công các tòa nhà văn phòng chính quyền ở Ghazni. Sau khi kích hoạt các vụ nổ bom gắn trên xe, phiến quân đã xông vào bên trong và đấu súng với lực lượng an ninh khiến ít nhất một binh sĩ thuộc lực lượng NATO và hơn 30 dân thường bị thương và hàng loạt tòa nhà bị phá hủy. Vụ tấn công này cho thấy, Afghanistan chắc chắn sẽ tiếp tục phải chứng kiến làn sóng bạo lực khi Taliban tiến hành các cuộc tấn công thường niên. Trong khi đó, chính quyền Mỹ cũng bày tỏ sự lo ngại khi tổ chức Hồi giáo cực đoan "Bình minh Libya" đang chiếm giữ ít nhất 11 máy bay chở khách của 2 hãng hàng không Nhà nước Libya. Nhà Trắng cho rằng, rất có thể những chiếc máy bay này có thể được sử dụng để mở các cuộc tấn công khủng bố tương tự như vụ 11/9/2001. Sự lớn mạnh về quy mô và táo tợn trong hành động của các tổ chức Hồi giáo cực đoan cho thấy sự bất lực của Mỹ và cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Nếu thế giới không nỗ lực hành động, tình trạng báo động an ninh chắc chắn sẽ buộc chính quyền nhiều nước phải duy trì trong một thời gian dài với những hậu quả khó tiên liệu.