Canh bạc đầy may rủi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào ngày Hy Lạp nhận được khoản giải ngân đầu tiên từ gói cứu trợ 86 tỷ Euro (20/8), Thủ tướng Hy Lạp đã tuyên bố từ nhiệm, đồng thời kêu gọi một cuộc bầu cử sớm trong tháng sau.

Sự nghiệp chính trị của ông Tsipras coi như đã chấm hết với tuyên bố từ chức.
Sự nghiệp chính trị của ông Tsipras coi như đã chấm hết với tuyên bố từ chức.
Khi Thủ tướng Tsipras chấp nhận những điều kiện khắc khổ để đổi lấy gói cứu trợ, đi ngược lại những cam kết trước đó, ông đã tạo ra sự rạn nứt lớn trong nội bộ đảng cánh tả. Một phần ba thành viên đảng cầm quyền Syriza đã phản đối thông qua gói cứu trợ tại cuộc bỏ phiếu của quốc hội. Kể từ đó, Chính phủ Hy Lạp đã hoạt động thiếu vững chắc dựa trên sự ủng hộ của những đối tác liên minh. Để thông qua gói cứu trợ, Thủ tướng Tsipras chấp nhận đối mặt với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sau cuộc họp của quốc hội, tuy nhiên dự liệu cơ hội giành vị trí đa số là xa vời, ông đã chuyển hướng sang từ nhiệm và kêu gọi một cuộc bầu cử sớm.

Trên bề nổi, bước đi của Thủ tướng Tsipras sẽ gây ra nhiều bất ổn cho Hy Lạp. Trong vài tháng tới, chính quyền nước này sẽ bận rộn thực hiện các yêu cầu để giải ngân gói cứu trợ cũng như tiếp tục thuyết phục xóa nợ và bầu cử sớm sẽ gây thêm rắc rối cho tiến trình này. Trên thực tế, 25 nghị sĩ của đảng cầm quyền Syriza ngày 21/8 đã tách ra để thành lập một đảng mới, mang tên đảng "Đoàn kết nhân dân" do cựu Bộ trưởng Năng lượng Panagiotis Lafazanis lãnh đạo.

Tuy nhiên, đây lại là một bước đi khôn ngoan trên chính trường, trao cơ hội thứ 2 cho người dân Hy Lạp một lần nữa lên tiếng về gói cứu trợ cũng như việc Chính phủ chấp nhận thắt lưng buộc bụng đổi lấy 86 tỷ Euro. Theo đó, cuộc bầu cử sớm (dự kiến diễn ra vào 20/9) có thể giúp Thủ tướng Tsipras dập tắt sự phản đối nhằm vào ông trong nội bộ đảng cánh tả Syriza, đồng thời khẳng định sự ủng hộ của cử tri Hy Lạp đối với gói cứu trợ mà ông vừa đàm phán thành công. Tuy nhiên, các chính trị gia đối lập trong nước và các chính trị gia đối lập nước ngoài đã lên án động thái này của ông Tsipras là vô trách nhiệm.

Trong suốt 6 tháng qua, kể từ khi những đàm phán mới bắt đầu, nghịch lý đã diễn ra trong nội bộ chính quyền Hy Lạp. Một mặt, giới chức nước này muốn dừng các biện pháp thắt lưng buộc bụng, một mặt vẫn muốn Hy Lạp góp mặt trong Eurozone. Nếu những tranh cãi giữa Hy Lạp và các chủ nợ cho thấy điều gì, rõ ràng là mỗi bên phải chấp nhận cả được và mất để đạt được kết quả khả quan nhất.

Sau 7 tháng ngồi trên chiếc ghế nóng, ông Tsipras từ chỗ là Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Hy Lạp, được tung hô là “người hùng” khi dũng cảm phản đối yêu sách cải cách từ các chủ nợ đã trở thành “kẻ phản bội” trong nội bộ đảng, là “tội đồ” với quốc gia, là “kẻ vô trách nhiệm” trong mắt giới chức khu vực. Và với quyết định từ chức, nhiều nhà phân tích nhận định rằng, số phận chính trị của ông Tsipras đã chấm hết tại đây. Tuyên bố của giới chức Eurozone phát đi ngay sau khi tuyên bố từ chức của Thủ tướng Hy Lạp được lan đi cho thấy, cơ hội để ông góp mặt vào đời sống chính trị tại xứ sở thần thoại đã trở thành con số 0. Đáng buồn thay, di sản mà Thủ tướng Tsipras để lại sau 7 tháng cầm quyền, ngoài tranh cãi, hoài nghi, thậm chí là oán giận là những ngổn ngang trên chính trường.

Hiện chưa rõ thủ lĩnh đảng đối lập lớn nhất trong Quốc hội có hoàn thành sứ mệnh thành lập Chính phủ mới trong vòng 3 ngày hay không, nhưng có một điều chắc chắn rằng, Hy Lạp đã buộc phải tham gia một canh bạc đầy may rủi mà khả năng thua nhiều hơn cơ hội thắng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần