Cảnh báo cho mục tiêu phát triển doanh nghiệp

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cơ chế thị trường, việc DN gia nhập hay rút khỏi thị trường là khó tránh khỏi nhưng xu hướng, quy mô… ra, vào thị trường của DN hiện nay cần quan tâm đặc biệt.

 Số DN vào thị trường trong những tháng đầu năm tăng hơn cùng kỳ năm trước. Ảnh: Thanh Hải
Những kết quả khả quan
Về mặt tích cực, tổng số DN vào thị trường trong 6 tháng đầu năm nay nhiều hơn cùng kỳ năm trước (tăng 6,9% hay tăng 13.999 DN). Trong tổng số DN vào thị trường, số DN đăng ký thành lập mới tăng 8,1% (tăng 5.026 DN). Điều đó chứng tỏ việc khởi nghiệp vẫn trong xu thế tăng lên mặc dù bị tác động tiêu cực của đại dịch covid-19. Số DN đăng ký thành lập mới tăng ở 2 nhóm ngành (công nghiệp - xây dựng tăng 1,6%, dịch vụ tăng 11%). Lượng vốn đăng ký cao hơn cùng kỳ với tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng tương ứng của số DN (34,3% so với 8,1%).

Trong tổng số vào thị trường, số DN quay trở lại hoạt động tăng 3,9% (tăng 981 DN). Tuy số lượng không nhiều nhưng đây là sự kiên trì và thể hiện bản lĩnh đáng khâm phục của các DN không chịu thất bại, có chí, năng động. Số DN quay trở lại hoạt động đông nhất là thương mại, tiếp đến là xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo…

Số DN vào thị trường nhiều hơn số ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường, góp phần làm cho số DN đang hoạt động trong kỳ này tăng thêm và tổng số DN đang hoạt động đến cuối tháng 6/2021 tăng so với cuối năm 2020. Số DN đang hoạt động trong 6 tháng năm 2021 tăng thêm so với đầu năm 2020 đạt 23.014 DN. Nhờ vậy, số DN đang hoạt động tính đến cuối tháng 6/2021 đạt khoảng 806.114 DN.

Hạn chế và thách thức

Bên cạnh những kết quả tích cực, cũng có những hạn chế và thách thức cho việc thực hiện mục tiêu về số DN hoạt động trong thời gian tới. Cụ thể, số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước tăng 38,8% (tăng 2.512 DN). Đó là tốc độ tăng và mức tăng khá cao. Đáng lưu ý, số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong kỳ này tăng so với cùng kỳ năm trước ở tất cả các nhóm ngành, nhiều nhất là thương mại, tiếp đến là công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, khoa học, công nghệ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, kinh doanh bất động sản, dịch vụ việc làm, du lịch và các dịch vụ hỗ trợ khác, đây cũng là các ngành bị tác động nhiều từ đại dịch Covid-19.

Số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 22,1% (tăng 6.545 DN) so với cùng kỳ năm trước. Đó cũng là tốc độ tăng và mức tăng rất cao. Xu hướng trên diễn ra ở cả 3 nhóm ngành, trong đó tăng cao nhất là sản xuất, phân phối điện, nước, gas; tiếp đến là khai khoáng, giáo dục, đào tạo, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác, kinh doanh bất động sản, nông, lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc, thiết bị, đồ dùng và các hỗ trợ khác. Số DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 25,7% (tăng 5.042 DN) so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số DN ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm 2021 đã tăng 24,9% (tăng 13.999 DN) so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng và mức tăng khác thường, do tác động của đại dịch Covid-19 làm “đứt gãy” nguồn cung ở đầu vào, khó khăn ở đầu ra, nhất là ở trong nước, khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng thấp; do quy mô nội lực, hiệu quả nhỏ yếu của DN trong nước, nhất là các DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân.

Do số DN ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường trong 6 tháng 2021 cao so với cùng kỳ năm trước nên số DN đang hoạt động tăng thêm trong 6 tháng năm nay đã bị giảm so với cùng kỳ năm trước (23.014 DN so với 31.036 DN, giảm 25,8%). Cũng chính vì thế, mặc dù số DN đang hoạt động cuối tháng 6/2021 so với số DN đang hoạt động tính đến cuối tháng 6/2020 (806.114 DN so với 69.646 DN, tức là tăng 4,7% ) nhưng con số này vẫn thấp xa so với mục tiêu đến năm 2020 (1 triệu DN) và cũng rất khó đạt được mục tiêu dự kiến năm 2030 (2 triệu DN). Đây là cảnh báo cần thiết cho việc phục hồi, hỗ trợ duy trì phát triển của DN giảm.

Để tăng số DN vào thị trường gồm 2 nhóm giải pháp. Thứ nhất, hỗ trợ tích cực cho số DN quay trở lại hoạt động và giúp cho việc khởi nghiệp được mạnh mẽ hơn nữa so với mấy năm trước. Cần tạo môi trường cho DN ra đời, trong đó hỗ trợ vốn với mức lãi suất hợp lý, tạo điều kiện về đất đai, ưu đãi về thuế khi mới khởi nghiệp…

Nhóm giải pháp thứ hai là giảm thiểu số DN ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường. Đó là số DN bị giải thể, số DN tạm ngừng kinh doanh, số DN tạm ngừng hoạt động. Muốn vậy, bản thân các DN và doanh nhân cố gắng, năng động, sáng tạo, hiệu quả, tích lũy, giảm dần nguồn phải đi vay hoặc để quá hạn, tăng vòng quay vốn (hiện mới đạt khoảng 0,67 lần, trong đó DN Nhà nước chỉ đạt 0,34 lần). Các DN Việt Nam hiện có tỷ suất lợi nhuận rất thấp, như năm 2018 mới đạt 3,77%, thấp xa so với lãi vay ngân hàng, thậm chí còn thấp hơn cả lãi suất tiền gửi ngân hàng...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần