Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, như đã thông báo về các thông tin cảnh báo về một số doanh nghiệp tại Hà Lan lợi dụng và lừa đảo các công ty tại Việt Nam Thương vụ lại tiếp tục nhận được một số đề nghị của doanh nghiệp Việt Nam nhờ kiểm tra trước và sau khi đã tiến hành giao dịch kinh doanh, vài trường hợp đã trả trước 30% nhưng sau đó đã không thể liên hệ được, điện thoại thường để chế độ voice mail, hoặc không còn sử dụng nữa, hầu hết là trường hợp số điện thoại di động hoặc cũng có trường hợp số cố định nhưng không gọi được.
Thâm chí có trường hợp Thương vụ gọi vào số điện thoại nhiều lần nhưng đều không có ai trả lời, không gọi lại, địa chỉ email bị trả lại do đã thôi không sử dụng; hoặc Thương vụ đến tận nơi tìm nhưng không gặp được vì đó là nhà riêng, có trường hợp đợi đến 7-8 giờ tối mà chưa thấy chủ nhà về để hỏi.
Do vậy, Thương vụ tại Hà Lan tiếp tục lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức cảnh giác trong giao dịch với những công ty mới quen biết, lấy địa chỉ trên internet, có trường hợp lấy từ mạng alibaba; hoặc chưa có giao dịch làm ăn với nhau; trước khi tiến hành các cam kết làm ăn với hoặc chuyển tiền trả trước cho các doanh nghiệp dạng này, công ty Việt Nam nên liên hệ với Thương vụ để tham vấn cũng như tìm hiểu về sự tồn tại và tính hợp pháp của đối tác Hà Lan cũng như rủi ro có thể xảy ra.
Phòng trước rủi ro bao giờ cũng tốt hơn xử lý các rủi ro. Các doanh nghiệp đừng nên bị choáng ngợp bởi các đối tác đăng ký kinh doanh ở các nước lớn và uy tín vì ở nước nào cũng có những doanh nghiệp không tốt, và phải thường xuyên kiểm tra thông tin kinh doanh của đối tác qua nhiều kênh, nếu họ chậm thanh toán đơn hàng trước mà đòi đơn hàng lớn kế tiếp thì phải đặt nghi vấn ngay.
Các doanh nghiệp muốn điều tra đối tác có thể qua nhiều nguồn như trao đổi tiếp xúc trực tiếp, qua bạn hàng, hiệp hội, công ty tư vấn, thương vụ, sứ quán, đặc biệt là với những đối tác giao dịch lần đầu.