KTĐT - Khi nhận định trong khoảng thời gian cảnh báo, dự báo, trên vùng biển có khả năng xuất hiện một trong các hiện tượng gió mạnh, dông mạnh, sương mù, sóng lớn thì phải phát "Tin thời tiết nguy hiểm trên biển".
Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quy định việc ra bản tin và truyền phát bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên khu vực Biển Đông và vùng phụ cận.
Quy chế nêu rõ có 6 loại thiên tai trên biển được cảnh báo, dự báo gồm: Áp thấp nhiệt đới, bão; sóng thần; gió mạnh; dông mạnh; sương mù và sóng lớn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia ra và cung cấp các bản tin cảnh báo, dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, gió mạnh, dông mạnh, sương mù, sóng lớn. Bản tin cảnh báo sóng thần do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý Địa cầu ra và cung cấp kịp thời.
Các bản tin này được ra 4 bản mỗi ngày bằng tiếng Việt và tiếng Anh, vào các thời điểm 4 giờ 30, 10 giờ 30, 15 giờ 30 và 21 giờ 30 đối với bản tin bằng tiếng Việt và chậm hơn 30 phút đối với bản tin bằng tiếng Anh.
Ngoài ra, các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển có thể được nhấn mạnh trong các bản tin áp thấp nhiệt đới, bão, bản tin không khí lạnh, gió mùa tây nam.
Hệ thống truyền phát bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển bao gồm: Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; hệ thống Đài thông tin Duyên Hải Việt Nam; các Đài Phát thanh, Truyền hình địa phương; hệ thống thông tin liên lạc của Bộ đội Biên phòng; hệ thống thông tin liên lạc của Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông Việt Nam và các doanh nghiệp viễn thông khác...
Các tổ chức, cá nhân có phương tiện hoạt động trên biển có trách nhiệm trang bị đầy đủ các thiết bị thông tin để tiếp nhận tin cảnh báo, dự báo thiên tai và các thiết bị an toàn khác theo quy định cho thuyền viên, tàu, thuyền, khi hoạt động trên biển. Khi có hiện tượng thiên tai trên biển, cần thông báo ngay cho Đài thông tin Duyên hải, hệ thống thông tin của Bộ đội Biên phòng và các hệ thống thông tin khác để kịp thời nhận hướng dẫn di chuyển, phòng tránh bão.