Cảnh báo hành vi sử dụng thẻ giả, mạo danh phóng viên báo Kinh tế & Đô thị để lộng hành

Kim Thạch
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, xuất hiện những đối tượng tự xưng làm ở các đơn vị báo chí không phải là vấn đề mới. Đáng chú ý, đã có nhiều đối tượng xấu dùng giấy giới thiệu, thẻ giả… mạo danh nhà báo, phóng viên để "lộng hành", thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến hoạt động báo chí cũng như tình hình an ninh trật tự - xã hội.

Trong thời gian qua có nhiều đối tượng dùng thẻ phóng viên, nhà báo giả để trục lợi, vi phạm pháp luật.
Xuất hiện nhiều đối tượng mạo danh
Mới đây, một đối tượng tự xưng là lãnh đạo của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phụ trách phía Nam gọi điện cho đại diện DN ở Tiền Giang với thái độ hù dọa DN này có nhiều sai phạm đồng thời rất muốn ủng hộ DN nên không viết bài phản ánh, đổi lại, DN phải gửi “quà” vào tài khoản.
Cụ thể, ngày 18/6, ông Trần Hoàng Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng Tiền Giang (TICCO Tiền Giang) có nhận được điện thoại của người tên Tuấn xưng là lãnh đạo của VOV phụ trách phía Nam. Đối tượng Tuấn gọi đến và có thái độ hù dọa DN có nhiều sai phạm. Đối tượng nói rằng, muốn ủng hộ DN, không viết bài phản ánh, nhưng đổi lại DN phải gửi “quà” vào tài khoản… Vị đại diện DN cho biết, thông thường các nhà báo muốn làm việc hay trao đổi vấn đề gì thì đến gặp tại công ty, chứ điện thoại hăm dọa và yêu cầu gửi tiền qua tài khoản là vô lý. Đồng thời, ông Trần Hoàng Huân đề nghị các cơ quan chức năng sớm điều tra xử lý nghiêm.
Một vụ việc xảy ra tại Thanh Hóa mới được Công an huyện Nông Cống phát hiện xử lý. Cụ thể, ngày 11/6, Công an huyện Nông Cống khởi tố, tạm giam đối với Thiều Văn Sơn (34 tuổi, quê ở xã Đông Văn, huyện Đông Sơn) để điều tra hành vi Cưỡng đoạt tài sản. Vào cuối tháng 5/2021, công an nhận được tin báo của giám đốc một DN trên địa bàn huyện Nông Cống, tố cáo ngày 26/5 bị Sơn đến gặp và xưng phóng viên thuộc một viện nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ. Sơn đề nghị ký hợp đồng tuyên truyền và viết bài quảng cáo về DN và yêu cầu chuyển 15 triệu đồng, nếu không sẽ viết bài đăng trên các phương tiện thông tin, gây bất lợi cho DN. Ngày 29/5, Sơn nhận tiền tại trụ sở công ty ở xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống thì bị công an bắt quả tang… Theo cơ quan công an, Sơn thừa nhận bằng thủ đoạn tương tự đã đến nhiều cơ quan, DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để đe dọa, tống tiền.
Đối tượng Thiều Văn Sơn giả danh phóng viên để tống tiền DN.
Vừa qua, ngày 29/6, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Công Quân (SN 1981, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, quy định tại Điều 341, khoản 3, điểm b - Bộ luật Hình sự… Bản thân Quân làm nghề lao động tự do nhưng để thực hiện hành vi lừa đảo, Quân lên mạng internet thuê người làm giả thẻ phóng viên VOV thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam và thẻ Ban cố vấn của Báo Thể thao TP Hồ Chí Minh. Từ tháng 8 đến 12/2017, Quân đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt của 3 bị hại, tài sản là 4 chiếc ô tô và 400 triệu đồng. Tổng trị giá số tiền Quân lừa đảo chiếm đoạt gần 1,7 tỷ đồng...
Giả danh phóng viên báo Kinh tế & Đô thị xin bỏ qua vi phạm
Tại địa bàn Thủ đô Hà Nội, thời gian qua có không ít đối tượng làm thẻ phóng viên, nhà báo giả để “qua mặt” lực lượng CSGT, xin bỏ qua vi phạm. Có những đối tượng dùng thẻ giả, mạo danh cơ quan báo chí để “tác nghiệp” với mục đích trục lợi. Nghiêm trọng hơn, có trường hợp dùng thẻ nhà báo giả để lừa đảo, tống tiền DN. Táo tợn hơn nữa, có những đối tượng còn quay clip để tống tiền cả cảnh sát…
Về vấn đề mạo danh, làm thẻ phóng viên giả, qua trao đổi, ông Nguyễn Trung Long - Chánh Văn phòng báo Kinh tế & Đô thị cho biết: “Thời gian qua, Báo có nhận được một số thông tin từ lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội về việc khi kiểm tra hành chính phát hiện những chiếc “thẻ phóng viên” và xưng làm việc tại Báo. Gần đây, có 2 trường hợp làm thẻ giả được CSGT phát hiện và thông tin đến Báo”.
Những chiếc thẻ phóng viên giả, lực lượng Cảnh sát giao thông - Công an Hà Nội phát hiện thu giữ.
Theo ông Nguyễn Trung Long, trước đó, giữa năm 2020, tại địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội) khi cảnh sát làm nhiệm vụ kiểm soát giao thông, kiểm tra đối tượng Trần Văn Hùng (ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) trình một thẻ phóng viên thuộc ban Kinh tế báo Kinh tế & Đô thị.
“Ngay sau khi tiếp nhận, chúng tôi đã đến hiện trường phối hợp với cảnh sát để xác minh, xử lý. Sau đó, người đàn ông được đưa về trụ sở công an phường và khai nhận đặt mua “thẻ phóng viên giả” trên mạng xã hội với giá 2 triệu đồng với mục đích đi đường xin cảnh sát khi vi phạm giao thông”, ông Nguyễn Trung Long cho hay.
Một vụ việc tương tự xảy ra vào tháng 2/2021, lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội tiếp tục phát hiện trường hợp “xin bỏ qua” khi bị xử lý vi phạm giao thông. Người điều khiển xe máy trình chiếc thẻ phóng viên Ban Văn xã (báo Kinh tế & Đô thị) mang tên Lại Tuấn Anh. Qua xác minh, người đàn ông khai nhận mua thẻ qua mạng xã hội với mục đích “phòng thân” đi đường…
 Người phụ nữ mạo danh là phóng viên báo Kinh tế & Đô thị ngang nhiên vào dự một cuộc họp báo sáng 2/7 tại Hà Nội.
Trong một diễn biến mới đây, ngày 30/6 một trường hợp mạo danh phóng viên báo Kinh tế & Đô thị để lấy “chế độ” họp báo. Phóng viên Võ Hồng Thái (ban Thời sự - Chính trị, báo Kinh tế & Đô thị) cho biết: Sự việc xảy ra tại địa bàn quận Thanh Xuân, có một phụ nữ tự xưng là phóng viên, người này đến sớm nhận tài liệu - chế độ, vào hội trường xong vòng cửa khác về luôn.
“Người phát tài liệu là nhân viên công tác tại UBND quận Thanh Xuân, khi thấy tôi thì bảo, vừa có 1 chị giới thiệu là người của Báo đến, đi lên phía trên, nhưng bạn ấy đi lên thì không còn thấy nữa. Đây không phải là lần đầu bạn gái này mạo danh phóng viên báo Kinh tế & Đô thị. Tôi nghe nói bạn gái này cùng vài người khác chuyên mạo danh báo chí đi dự hội nghị ở Hà Nội, nhất là ở các quận, huyện…”, phóng viên Hồng Thái thông tin.
Đối với hành vi mạo danh, làm giả thẻ phóng viên, ông Nguyễn Trung Long đề nghị cơ quan chức năng cần “mạnh tay” xử lý và bày tỏ quan điểm: “Dù là tổ chức, cá nhân hay DN cũng đừng bao giờ sợ kẻ xấu và nương tay đối với những kẻ mạo danh này. Nếu chấp nhận cái xấu, chấp nhận vấn đề tiêu cực thì các đối tượng sẽ lấn tới, điều này không chỉ phá hoại xã hội mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, đạo đức của những người làm báo chân chính...”.
Theo một cán bộ Công an Hà Nội, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Vì vậy, ai cũng phải chấp hành luật lệ giao thông, không có sự phân biệt. Gần đây, có những người tự xưng danh là người nhà cán bộ cấp cao hay nhà báo, rồi dùng thẻ giả để “xin bỏ qua vi phạm”, có những hành vi thóa mạ, chống lại người thi hành công vụ. Đây là những hành vi rất xấu, cần phải lên án và xử lý nghiêm…
Thiết nghĩ, để tránh vấn nạn phóng viên, nhà báo “rởm” lộng hành, bên cạnh việc các cơ quan báo chí cần siết chặt việc quản lý hồ sơ cấp thẻ nhà báo, hay cấp giấy giới thiệu… thì các tổ chức, cơ quan và người dân cũng cần hết sức cảnh giác với nạn mạo danh để trục lợi. Khi làm việc với phóng viên, tổ chức, cá nhân cần lưu ý: Yêu cầu xuất trình Thẻ nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cấp theo quy định tại Luật Báo chí 2016. Đối với phóng viên chưa có Thẻ nhà báo do Bộ TT&TT cấp (kể cả cộng tác viên) thì phải có giấy giới thiệu do ban biên tập ký, ghi rõ họ và tên, cơ quan chủ quản, nội dung và thời gian phóng viên được cử đến làm việc; Lưu lại giấy giới thiệu của phóng viên, cộng tác viên để có cơ sở xử lý thông tin khi cần thiết. Trong trường hợp không có Thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu thì từ chối tiếp, làm việc; trường hợp có nghi vấn mạo danh phóng viên, nhà báo thì phải kịp thời phản ánh đến cơ quan công an cùng cấp, Sở TT&TT để xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Hành vi mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí. Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 159/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền cho hành vi này là từ 5 - 10 triệu đồng. Đến Nghị định 119/2020/NĐ-CP mức phạt tiền đã tăng lên từ 10 - 20 triệu đồng…

Tùy từng hành vi vi phạm pháp luật mà các đối tượng này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội khác nhau theo Bộ luật Hình sự, như tội tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, quy định tại Điều 341, khoản 3, điểm b - Bộ luật Hình sự. Dấu hiệu của tội phạm là đối tượng làm giả thẻ nhà báo hoặc các giấy tờ tài liệu khác của cơ quan, tổ chức; sau đó sử dụng các giấy tờ, tài liệu này để lừa dối cơ quan, tổ chức, cá nhân để mưu lợi cá nhân. Tùy theo từng yếu tố định khung hình phạt mà người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần