Cảnh báo nở rộ kinh doanh đa cấp bất động sản

Chia sẻ Zalo

Thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại, nếu không có giải pháp với những cảnh báo nói trên thì thị trường bất động sản sẽ càng thêm khó khăn.

Tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản TP.HCM diễn ra sáng 6/6. Tham dự còn còn có ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP cùng lãnh đạo các sở ngành, NHNN Chi nhánh TP.HCM…

Ông Trần Bá Dương - Tổng Giám đốc Công ty Đại Quang Minh cho rằng, hiện nay trên thị trường bất động sản có hiện tượng giao dịch không lành mạnh, nhiều công ty kinh doanh kiểu “bán hàng đa cấp” cam kết lợi nhuận theo từng năm.

Trong khi đó người mua không nắm kỹ cứ nghe lời là mua. Ông Dương đề nghị các dự án căn hộ nên tách bạch giữa căn hộ để ở và căn hộ làm việc (office-tel) vì hiện nay có nhiều dự án lẫn lộn giữa căn hộ ở và căn hộ office-tel gây khó khăn trong công tác quản lý.

“Tôi nhận định khả năng thị trường bất động sản sẽ chậm lại và nếu chúng ta không có giải pháp với những cảnh báo nói trên thì thị trường bất động sản sẽ càng thêm khó khăn”, ông Dương phát biểu thẳng thắn với lãnh đạo thành phố.
Quang cảnh buổi làm việc giữa lãnh đạo với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản TPHCM
Quang cảnh buổi làm việc giữa lãnh đạo với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản TP.HCM
Ngoài vấn đề "nóng bỏng" trên, nhiều doanh nghiệp địa ốc còn cho biết thị trường hiện xuất hiện tình trạng phát triển lệch pha giữa cung và cầu, các vi phạm trong kinh doanh BĐS, bất cập về tiền sử dụng đất, và nhiều thủ tục hành chính cản đường phát triển lĩnh vực bất động sản.

Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch HoREA cho rằng, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng có khiếm khuyết lớn là không hề giúp cho người cực nghèo có nhà ở. Bên cạnh đó, vấn đề nhà ở xã hội, dù TP.HCM đi trước nhưng về sau so với tỉnh lân cận là Bình Dương.

Ông Đực cũng cho rằng, hiện các chung cư như The Harmona (33 Trương Công Định, P.14, Q.Tân Bình), Bảy Hiền Tower (9 Phạm Phú Thứ, P.11, Q.Tân Bình)… xây chưa xong đã giao nhà cho khách hàng vào ở, chủ đầu tư không trả 2% phí bảo trì… đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín ngành bất động sản.

Ông Đực đề xuất nên có sự phối hợp giữa doanh nghiệp, ngân hàng và người dân để xử lý có tình có lý những trường hợp như Bảy Hiền Tower chứ không xử lý cứng nhắc, ép dân bằng cách cắt điện, nước.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Hưng Thịnh kiến nghị TPHCM nên rà soát lại những dự án được cấp phép từ năm 2007 - 2010 vì đây là giai đoạn “sốt” và hệ quả là xảy ra những trường hợp như Harmona, Bảy Hiền Tower.

Theo báo cáo của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tại buổi làm việc với Thường trực Thành ủy, UBND thành phố, trong 5 tháng đầu năm 2016, thị trường BĐS thành phố đang có dấu hiệu chững lại sau một quá trình phục hồi.

Nếu trong 5 tháng đầu năm 2015, thị trường BĐS thành phố tăng trưởng rất mạnh trên các phân khúc nhà ở, văn phòng cho thuê, bất động sản công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nghỉ dưỡng, thì 5 tháng đầu năm 2016, thị trường này đã có chậm lại, và tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn.

Cụ thể, giao dịch đã chững lại, và có dấu hiệu lệch pha sang phân khúc bất động sản cao cấp trong khi thiếu sản phẩm căn hộ quy mô vừa và nhỏ có 1-2 phòng ngủ, có giá bán vừa túi tiền; có sự gia tăng rất lớn các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (chủ yếu nhằm mục đích mua đi bán lại).

Thị trường bất động sản cũng đã xuất hiện một số trường hợp chủ đầu tư dự án (có trường hợp do sự quản lý lỏng lẻo hoặc đồng tình của tổ chức tín dụng) đã không chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, chưa đảm bảo đủ điều kiện đưa nhà chung cư vào sử dụng đã cho khách hàng vào ở; chưa thực hiện đúng các quy định về thế chấp, giải chấp và bán nhà cho khách hàng đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến an sinh xã hội; tranh chấp trong chung cư vẫn còn xảy ra phức tạp...