Khói bụi do đốt rơm bay vào nội thành, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, môi trường và giao thông tại đô thị. Mặc dù biết tác hại của việc đốt rơm, song người nông dân cũng không biết xử lý rơm rạ như thế nào cho hiệu quả.
Đốt rơm trên Quốc lộ 2 đoạn qua huyện Sóc Sơn gây ảnh hưởng không nhỏ đến người tham gia giao thông. Ảnh: Công Hùng
|
Có mặt tại QL21B đoạn qua địa phận huyện Thanh Oai vào cuối tuần qua, chúng tôi dễ dàng nhận thấy những đống rơm vẫn còn âm ỉ cháy do người dân đốt tại ruộng, khói bốc lên mù mịt. Chị Bùi Thị Hiền, thôn Đôn Thư, xã Kim Thư, huyện Thanh Oai chia sẻ, hầu hết các hộ gia đình trên địa bàn xã thu hoạch xong lúa đều đốt rơm, bởi hiện nay, các hộ đều sử dụng củi hoặc gas để đun nấu thay vì sử dụng rơm như trước. Tuy nhiên, điểm khác so với các năm trước là vụ này người dân thường đốt rơm ở ruộng chứ không đốt ở ven các tuyến quốc lộ. Bởi hàng ngày, lực lượng an ninh đi tuần tra, nhắc nhở các hộ dân không tuốt lúa hay đốt rơm ở ven đường; đồng thời thông báo trên loa truyền thanh cấm mọi hành vi vi phạm làm cản trở tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông. Khi được hỏi về tác hại của việc đốt rơm, không ít người vẫn trả lời là: "Có biết! nhưng không đốt thì... không biết làm gì với rơm!". Để hạn chế tối đa khói đốt rơm gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, một số biện pháp khắc phục tạm thời được người dân áp dụng là đợi lúc trời đứng gió mới đốt hoặc vừa đốt vừa té nước. Tuy nhiên, vấn đề khói, bụi làm ảnh hưởng đến môi trường vẫn chưa thể có phương án hữu hiệu. Ông Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Oai cho biết, trước mỗi vụ thu hoạch, Phòng đều tham mưu cho UBND huyện ra công văn yêu cầu các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền nhằm hạn chế hậu quả từ việc đốt rơm, nhất là nguy cơ mất ATGT. Trong đó, nghiêm cấm người dân tuốt lúa, phơi lúa, đốt rơm ở hai bên đường quốc lộ. Trường hợp nào cố tình vi phạm, lực lượng chức năng sẽ thực hiện biện pháp cưỡng chế. Nhờ đó, so với các năm trước, năm nay, tình trạng tuốt lúa và đốt rơm ven đường giảm đáng kể.
Trên thực tế, không chỉ riêng Thanh Oai mà ở hầu hết các địa phương ở khu vực ngoại thành, sau khi thu hoạch lúa, người dân đều sử dụng phương pháp dùng lửa đốt để xử lý toàn bộ số rơm trên đồng, khiến khói xâm nhập khu vực nội thành, tạo nên những sự cố ô nhiễm không khí bởi khói bụi đặc quánh. Qua khảo sát trong nhiều năm, chỉ một lượng rơm rất ít được người dân một số địa phương thu gom sử dụng cho việc sản xuất nấm rơm, còn lại hầu như đều để lại trên đồng rồi đốt bỏ.
Việc làm này diễn ra nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa địa phương nào có phương án giải quyết triệt để. Vấn đề là hầu hết người dân đều nhận thức được khói bụi từ việc đốt rơm gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe. Tuy nhiên, họ vẫn "bất đắc dĩ" phải đốt rơm vì hiện vẫn chưa được hướng dẫn về biện pháp xử lý rơm sau thu hoạch một cách hiệu quả, trong khi các mô hình trồng nấm - sử dụng nguồn nguyên liệu chính là rơm lại chưa được nhân rộng. Và như vậy cũng đồng nghĩa với việc "đến hẹn lại lên", năm nào sau vụ thu hoạch lúa, người Hà Nội dù không muốn cũng phải chịu cảnh sống chung cùng khói bụi do việc đốt rơm gây nên!