Trong đó một đợt có khả năng đạt mức xấp xỉ hoặc thấp hơn mức báo động 3 (1,50m) và đỉnh triều đợt đầu thứ 2 có khả năng đạt mức cao nhất vào các ngày 1, 2 tháng 2 (tức mùng 2, mùng 3 Tết Giáp Ngọ), ở mức cao hơn mức báo động 3 từ 0,05 - 0,10m.
Phập phồng
Ngay sau khi nhận được tin báo, nhiều người dân tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức TPHCM (một trong những điểm thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nhất bởi triều cường) rầu rĩ ra mặt. Chị Nguyễn Thị Phương Dung (địa chỉ 55/2, đường 42, KP8, Hiệp Bình Chánh), nhớ lại: “Tết năm rồi vừa mở cửa, tôi đã thấy dòng nước đen thui, bốc mùi từ sông dâng cao, tràn qua bờ kè gây ngập đường rồi tràn lên thềm nhà. Khiến nhiều gia đình thay vì đi chúc tết, thăm viếng bạn bè phải hì hục tát nước…”. Gia đình thuộc diện hộ nghèo nên trong nhà chị Dung cũng không có mấy đồ có giá trị. “Tết này phải ở nhà trông chừng thủy triều, vì sợ ngâm nước hư hết, không còn vật dụng gì để dùng”- chị Dung cho biết. Còn anh Hồ Hải Thăng (hẻm 38, đường 42, KP8, Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức) biết trước được có triều cường đỉnh điểm vào dịp tết nên đã đưa nhiều đồ điện tử, hàng hóa, vật dụng trong nhà lên gác, chỉ trừ bộ bàn ghế tiếp khách.
Đã hơn 2 năm qua, nhiều bà con tổ 40 và 41 đường 48, khu phố 6, Hiệp Bình Chánh đã quen với triều cường từ rạch Cầu Năm Chống tràn lên gây ngập nhà, ngập đường. Chị Hồ Thị Nhung (ngụ tổ 40) cho biết, nhiều năm trước đường cống thoát nước tại bờ đê ngăn nước bị hư hỏng, làm các hộ dân nơi đây điêu đứng mỗi khi có triều cường đạt đỉnh. “Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp xử lý đường cống nước bị bể để người dân an tâm làm ăn, nhất là tết gần kề” chị Nhung bức xúc.
Ứng phó
Bà Trần Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức cho biết: “Quận cũng lo lắng không yên, nhất là những điểm ở khu phố 5 Hiệp Bình Chánh, khu phố 1 và khu phố 3 Hiệp Bình Phước dọc sông Sài Gòn. Đến nay một số khu vực cũng đã được gia cố bờ bao bằng cừ bản nhựa uPVC”. Theo bà Hạnh, UBND quận cũng đã liên tục chỉ đạo các phường Trường Thọ, Linh Đông, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước và Tam Phú theo dõi sát tình hình, cập nhật thông tin liên tục cho người dân để chủ động ứng phó. Trong những ngày tết, quận luôn cắt cử chuyên viên, các phòng ban và lãnh đạo trực tác chiến 24/24 giờ để khi có sự cố sẽ phối hợp cùng người dân ứng phó.
“Huyện có 12 khu vực có nguy cơ sạt lở đất đặc biệt nguy hiểm” - Bí thư huyện Nhà Bè Nguyễn Văn Lưu lo lắng. Theo ông Lưu, trước mắt, huyện đã chỉ đạo các phòng ban, UBND xã, thị trấn xây dựng phương án ứng phó, di dời dân đến nơi an toàn; thường xuyên theo dõi và thông tin rộng rãi trên các phương tiện cho người dân biết, chủ động ứng phó. Về giải pháp khắc phục triệt để, TP cũng đã có chủ trương xây dựng bờ kè chống sạt lở tại 10/12 vị trí trên. Ngoài ra huyện còn có 8 điểm ngập do triều cường, gồm đoạn ngã ba đường Nguyễn Bình - Lê Văn Lương, đoạn ngã tư đường Nguyễn Văn Tạo - Phan Văn Bảy, đoạn ngã ba Nguyễn Bình - Nguyễn Văn Tạo, vị trí đầu cầu Nhơn Đức - Phước Lộc, đường Huỳnh Tấn Phát đoạn Nhà Bè - Phú Xuân, đường Lê Văn Lương và một số đoạn trên địa bàn xã Nhơn Đức, đường vào cầu Bà Sáu. Theo ông Lưu, hiện nay đã khắc phục cơ bản được 4 điểm, các điểm còn lại huyện đã trình Sở GTVT bố trí vốn nâng cấp.
Ở huyện Bình Chánh, theo Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Thái Hồng Mai, trong năm 2013 đã xuất hiện một đợt triều cường khá cao, mực nước đo được tại cống kênh C, xã Tân Nhựt lên đến 1,68m trên mức báo động 3, do đó đã gây ngập cục bộ ở một số tuyến đường tại các xã Bình Hưng, Phong Phú, Đa Phước, Tân Nhựt, Bình Lợi, Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai. Dự báo trong thời gian tới triều cường có khả năng đạt lên mức báo động 3 (1,5m). Trước tình hình trên, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra các vị trí xung yếu của công trình phòng chống lụt bão để kịp thời phát hiện hư hỏng, đề xuất ngay phương án xử lý sự cố, khắc phục sớm. Huyện cũng đã tiếp tục gia cố, tôn cao các đoạn xung yếu đê bao ngăn lũ cấp 4 (xã Tân Nhựt), các đoạn xung yếu bờ bao khu A (Đa Phước)… nhằm phát huy hiệu quả chống ngập ngăn triều.
Mới đây, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn vừa bàn giao, đưa vào sử dụng công trình bờ bao bằng cừ bản nhựa uPVC tại rạch Nhà Nuôi, phường Thạnh Xuân quận 12. Với chiều dài 280m, theo đại diện Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, bờ bao này có thể bảo đảm an toàn khi triều cường lên cho hơn 120 hộ dân với khoảng 500 nhân khẩu ở khu phố 7, phường Thạnh Xuân và khu vực lân cận. “Hy vọng năm nay ăn tết vui vẻ”- một người dân khu phố cho biết.
Tại Hóc Môn, theo Chủ tịch UBND huyện Văn Thị Bạch Tuyết, qua rà soát việc xả lũ kết hợp với triều cường ở mức đỉnh triều 1,68m (xảy ra ngày 5-12-2013), trên địa bàn huyện có 2 địa bàn bị ảnh hưởng. Đó là tại ấp 1 xã Đông Thạnh huyện Hóc Môn có diện tích 10ha (50 hộ dân), triều cường gây ảnh hưởng đến việc đi lại, hiện huyện đã chỉ đạo xã cơi nới bờ bao thêm 50 cm để ngăn triều cường song song với triển khai chương trình chống lụt bão, dự kiến hoàn thành trong quý 1-2014. Tại ấp Tân Hòa, xã Tân Hiệp, có diện tích 10ha thì xã đã khắc phục xong bằng cách cơi nới bờ bao thêm 30cm, kiểm soát cống xã, không còn bị ngập do triều cường.