Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo về những thách thức mới nổi ở Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2009 kết thúc cuối tuần qua được đánh giá là thành công vượt ngoài mong đợi khi khoản tín dụng mà các nhà tài trợ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong năm tới lên đến hơn 8 tỷ USD.

KTĐT - Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2009 kết thúc cuối tuần qua được đánh giá là thành công vượt ngoài mong đợi khi khoản tín dụng mà các nhà tài trợ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong năm tới lên đến hơn 8 tỷ USD.

Các nhà tài trợ đánh giá cao sức phục hồi của nền kinh tế nước ta, song cũng cảnh báo những thách thức mới nổi trong xóa đói giảm nghèo và chống tham nhũng ở Việt Nam.


Những thách thức mới nổi trong xóa đói giảm nghèo


Các đối tác phát triển ghi nhận thành công của Việt Nam trong phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn hơn, bao gồm khác biệt phát triển giữa các vùng miền và các dân tộc, tính bền vững và thiếu gắn kết trong toàn bộ các chính sách và chương trình về xóa đói giảm nghèo. Các đối tác phát triển cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường sự thống nhất giữa các chương trình giảm nghèo và bảo trợ xã hội và củng cố công tác điều phối giữa các cơ quan Chính phủ liên quan.


Đại diện cho các đối tác phát triển, Trưởng đại diện của Bộ phát triển quốc tế Anh, bà Fiona Lappin nhấn mạnh sự cần thiết chủ động thích ứng với môi trường kinh tế xã hội mới để không có người dân Việt Nam nào bị đặt ở ngoài lề của quá trình tăng trưởng và phát triển. “Chúng tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục trên đà hồi phục nhưng vẫn cần có những biện pháp bảo trợ xã hội hiệu quả để giúp cho những hộ gia đình Việt Nam vượt qua được giai đoạn khó khăn. Chúng ta cần có những suy nghĩ khác về việc làm thế nào để giải quyết những thách thức mới nổi về bất bình đẳng, người nghèo thành thị và người lao động nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đi kèm với việc Việt Nam trở thành một nước có thu nhập trung bình.”


Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam, ông Jesper Morch lưu ý Việt Nam nên xem xét nghèo đói trên khía cạnh bị thiếu hụt chứ không chỉ về mặt thu nhập. Chúng ta sẽ thấy rằng, cứ trong ba trẻ em Việt Nam thì sẽ có một trẻ thuộc diện nghèo do thiếu hụt về các nhu cầu căn bản như giáo dục, vệ sinh hay hội nhập và bảo trợ xã hội. Ông cũng nhấn mạnh: “Các đối tác phát triển hết sức hoan nghênh những nỗ lực hiện nay của Chính phủ Việt Nam trong cải cách hệ thống bảo trợ xã hội và khuyến khích Chính phủ nắm bắt hướng tiếp cận tổng thể về bảo trợ xã hội như là một chiến lược phát triển chính”.


Cải cách hành chính: Cần có thêm sức dân


Ghi nhận những nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực cải cách hàng chính trong thời gian qua, đặc biệt là kết quả mới đây của Đề án
đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (tức Đề án 30), song đại diện các đối tác phát triển cũng lưu ý công cuộc củng cố nền hành chính và đấu tranh chống tham nhũng của Việt Nam cần có sự tham gia nhiều hơn nữa của khối xã hội dân sự trong cuộc chiến chống tham nhũng và nâng cao chất lượng của các dịch vụ công. Đại sứ Thụy Điển, ông Rolf Bergman chia sẻ: “Trong cuộc chiến chống tham nhũng, để đạt được thành công cần có sự nỗ lực của tất cả mọi người dân. Chỉ có những luật lệ và quy định tốt là chưa đủ, muốn thành công cần phải có sự kết hợp tham gia của Đảng, Chính phủ, xã hội dân sự, các cơ quan báo chí và từng người dân trong xã hội”.


Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Michael Michalak nhận xét, công cuộc cải cách hành chính của Việt Nam rất cần có sự tăng cường nhận thức, hiểu biết và tham gia của các cơ quan nhà nước, khu vực tư nhân và xã hội dân sự trong Đề án 30 thông qua các hoạt động đối ngoại và sự tham gia tích cực của các bên liên quan chủ chốt. Sự lãnh đạo mạnh mẽ và cam kết chính trị sẽ trở thành yếu tố quan trọng hơn nữa trong suốt quá trình đánh giá và đơn giản hóa các thủ tục.

Sẽ có thêm nguồn tài trợ giúp Việt Nam chống biến đổi khí hậu


Cũng tại hội nghị lần này, một vấn đề được các đối tác phát triển và Chính phủ tập trung thảo luận, đó là chống biến đổi khí hậu và duy trì phát triển bền vững. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu 1/5 lượng gạo cho thế giới, do đó biến đổi khí hậu sẽ có tác động lớn đối với không chỉ Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác. Đại sứ Đan Mạch, ông Peter Lysholt Hansen nhấn mạnh sự cần thiết “Phải triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu càng sớm càng tốt.” Ông cũng nêu bật tầm quan trọng của việc đảm bảo quản lý và điều phối hiệu quả cũng như cần có thêm nguồn tài trợ quốc tế cho biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

 

Trong số 8 tỷ USD mà các nhà tài trợ cam kết, mức cam kết của các nhà tài trợ đa phương là hơn 4,51 tỷ USD, của các nhà tài trợ song phương đạt hơn 3,29 tỷ USD, các tổ chức phi chính phủ cam kết tài trợ cho Việt Nam 250 triệu USD. Ngân hàng Thế giới là nhà tài trợ cao nhất với mức gần 2,5 tỷ USD. Nhật Bản cũng đã ký kết tổng cộng hơn 2,11 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam, thay vì cam kết 0,9 tỷ USD mà chính phủ nước này công bố sau khi nối lại ODA vào tháng 2/2009.