Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh giác móc túi dọc đường Láng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lợi dụng người dân mua gốm sứ, quất, đào… tại đường Láng (đoạn giáp Ngã Tư Sở), khoảng hơn một tuần trở lại đây xuất hiện một số đối tượng móc túi người mua hàng.

KTĐT - Lợi dụng người dân mua gốm sứ, quất, đào… tại đường Láng (đoạn giáp Ngã Tư Sở), khoảng hơn một tuần trở lại đây xuất hiện một số đối tượng móc túi người mua hàng.

Những ngày áp tết, dọc đường Láng trở nên tấp nập hơn nhờ có các mặt hàng gốm, sứ, quất, đào... được bày bán phục vụ Tết Nguyên đán. Chị Hồng - người bán hàng gốm sứ tại đây - cho biết: Người ta chỉ cho phép bán ở đây trong dịp giáp tết. Vào giờ tan tầm lúc 5 - 6h chiều, số lượng người mua sắm lại càng đông. Đây cũng chính là thời điểm hoạt động lý tưởng của dân “đạo chích” hành nghề móc túi.

“Chúng không hoạt động đơn lẻ mà đi thành từng nhóm, ăn mặc lịch sự, thậm chí đi xe máy, luôn khẩu trang bịt mặt kín mít vờ như là khách đi mua hàng, rất khó phát hiện. Chúng tôi cũng không thể kiểm soát hết được” - cô Lợi - bán đồ gốm sứ tại đường Láng - nói.

Ngày 25.1, chị V (22 tuổi) đi sắm hàng tết, sau khi chọn mua một lọ hoa lúc trả tiền chị mới tá hỏa ra là không thấy ví với toàn bộ giấy tờ và điện thoại đâu nữa. Khi chị mượn được máy gọi lại thì thuê bao đã không liên lạc được. Toàn bộ số tiền mang đi sắm tết cho gia đình gồm 500USD và hơn 4 triệu đồng tiền mặt, cộng với chiếc điện thoại di động mới mua đã không cánh mà bay. Chị V kể: “Lúc ấy tôi không để ý vì có người ở đằng sau không cho tôi đi và bảo là đang bị vướng xe. Sau này tôi mới biết hóa ra chúng là một nhóm. Thế là, chỉ vì một phút lơ là không để ý mà tổng số tài sản gần 20.000.000 đồng đổi lại một cái lọ hoa 20.000 đồng” - chị V than thở.

Theo như chủ cửa hàng thì chị V không phải là trường hợp đầu tiên bị móc túi. Hôm 24.1 cũng có một chị mua hàng kêu mất túi xách, tổng giá trị cũng vài triệu đồng. Trước đấy nữa cũng có một vài trường hợp tương tự bị mất điện thoại. Đối tượng chủ yếu mà nhóm móc túi này nhắm đến là phụ nữ. Những đồ bị mất thường là túi xách tay, ví và điện thoại. Bọn móc túi này đi thành từng nhóm, khi đã chọn được đối tượng, chúng tập trung quây lại. Một tên vờ như mua hàng hỏi giá, mặc cả, trong khi đó những thành viên còn lại tìm cách đánh lạc hướng và thu hút sự chú ý của đối tượng. Sau khi đã lấy được rồi thì chúng tản đi rất nhanh.

Ngày áp tết, các chị em thường mang theo rất nhiều tiền mặt, nhưng những lúc mua bán lại hay lơ là để ở túi áo hay treo túi trên xe. Đây chính là những điểm sơ hở dễ dàng làm cho toàn bộ số tiền sắm tết cho cả gia đình lặng lẽ “không cánh mà bay”vào tay của những kẻ móc túi. Do vậy, mọi người cần cảnh giác trong khi đi mua sắm, không chỉ trong dịp tết.