Cảnh giác với hàng giả, hàng nhái

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng được làm tinh vi, với nhiều chủng loại và đang len lỏi vào thị trường. Không chỉ người tiêu dùng chịu thiệt, mua bằng tiền thật nhưng lại được đồ giả, mà còn làm hại đến các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh làm ăn chân chính, tổn thất không nhỏ đến nền kinh tế.

Hàng giả, hàng nhái mặc sức tung hoành
Những ngày gần đây, lực lượng quản lý thị trường phát hiện nhiều vụ cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng. Mới đây, ngày 30/3, Tổ công tác 368, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Đội QLTT số 1 và 14 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra kho hàng tiêu dùng tại xã Phú Sơn (huyện Ba Vì) đã phát hiện thu giữ hàng vạn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu và nhập lậu. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam như Gucci, Channel, LV, Adidas. Tại kho hàng cũng lưu cất hàng nghìn sản phẩm gia dụng nhập lậu như bếp từ, bếp nướng, nồi cơm điện, chảo điện... Kho hàng tiêu dùng do Nguyễn Văn Ngọc, hộ khẩu thường trú tại thôn Bằng Y, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, TP Hà Nội làm chủ kinh doanh với hàng trăm mã hàng, hàng vạn sản phẩm đủ thể loại từ quần áo, giày dép, chăn gối đến mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, pin sạc và sách truyện...
 Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra một kho hàng trên đường Phạm Hùng, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở không xuất trình được bất kỳ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa ngoài Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Tuy nhiên, địa điểm đăng ký được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ở xã Sơn Đà (huyện Ba Vì), nhưng thực tế kho hàng lại được đặt ở xã Phú Sơn (huyện Ba Vì). Ghi nhận trên hệ thống bán hàng của cơ sở trên, chỉ trong 6 tháng có tới hơn 655.000 đơn hàng được chốt bán. Mặc dù kho hàng cách trung tâm TP Hà Nội 80km nhưng thông qua hình thức chuyển phát nhanh, các đơn hàng nhanh chóng được vận chuyển đến khắp mọi miền đất nước.

Ngày 30/3, Đội QLTT Số 1 - Cục QLTT Hà Nam phối hợp với Đội 3, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Hà Nam thực hiện kiểm tra đột xuất Xưởng sản xuất quần áo thuộc DN tư nhân Sử Hằng (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam), do ông Trần Trọng Sử là chủ cơ sở. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang tổ chức sản xuất quần áo thời trang nam các loại có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Adidas, Nike, Lacoste, Burberry đang được bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam. Chủ cơ sở không xuất trình được hợp đồng gia công và hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguyên liệu phục vụ sản xuất. Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 1 đã ra quyết định tạm giữ hơn 5.000 thành phẩm là quần áo thời trang nam các loại có gắn nhãn mang thương hiệu Adidas, Nike, Lacoste, Burberry và hơn 4.000 nhãn rời mang nhãn hiệu Adidas, Nike, Burberry. Đội QLTT số 1 đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ vụ việc và tang vật đến Đội 3 - Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Hà Nam, để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Sau một thời gian trinh sát, chiều 31/3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Ninh Bình thẩm tra, xác minh và kiểm tra đột xuất kho chứa hàng giả, hàng nhái có diện tích khoảng 1.000m2 của đối tượng Trần Văn Bản ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Kho hàng chứa một lượng lớn các sản phẩm gia dụng, dân dụng, mỹ phẩm... có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu. Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa. Một trong những phương thức được cơ sở này sử dụng để kinh doanh là sử dụng nền tảng số để livestream bán hàng trên mạng xã hội. Ghi nhận trên hệ thống bán hàng của cơ sở, mỗi video livestream có khoảng 11.000 view và hơn 1.000 đơn hàng được chốt, sau đó gửi đến người mua thông qua các dịch vụ vận chuyển.

Nâng cao ý thức người tiêu dùng

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, vấn đề hàng giả luôn là điều nhức nhối trong thị trường từ trước đến nay. Mọi loại hàng hóa đều có thể bị làm giả từ quần áo, giày dép, hàng tiêu dùng cho đến các thiết bị công nghệ cao thậm chí là thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng… Nhiều loại hàng giả chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng nhưng có những loại hàng hóa bị làm giả có thể ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc tính mạng người sử dụng hàng hóa đó như thuốc giả, thực phẩm giả…

Đấu tranh phòng chống hàng giả là điều được các cơ quan nhà nước và người tiêu dùng quan tâm, tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường và nền sản xuất hàng hóa thì lượng hàng giả được sản xuất mua bán trên thị trường hiện nay vẫn rất nhiều và còn đang ngày càng tăng lên. Tình trạng này đặt ra cho chúng ta phải khẩn trương hơn trong công cuộc đấu tranh chống hàng giả. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả tràn lan là khuôn khổ pháp luật điều chỉnh vấn đề này còn một số hạn chế bất cập. Trong đó có thể kể đến là chế tài xử phạt còn chưa thực sự nghiêm khắc, chủ yếu xử phạt hành chính và mức xử phạt nhìn vào tưởng cao nhưng so với lợi nhuận từ việc sản xuất, buôn bán hàng giả thì số tiền phạt còn thấp. Các đối tượng làm và bán hàng giả sẵn sàng nộp phạt rồi lại tái diễn.

Do vậy, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020 để thay thế Nghị định 185/2013 về xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều hành vi trong lĩnh vực thương mại, trong đó có các hành vi sản xuất buôn bán hàng giả có mức xử phạt cao hơn đáng kể. “Đối với hành vi liên quan đến hàng giả, mức phạt cao nhất lên đến 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức. Bên cạnh đó, chế tài hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015 về hành vi sản xuất buôn bán hàng giả cũng nghiêm khắc hơn, người phạm tội sản xuất buôn bán hàng giả có thể bị phạt tù đến 15 năm” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng thông tin.

Trong khi đó, theo luật sư Đào Nguyên Thuật - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, sự buông lỏng trong quản lý đối với hàng giả của các cơ quan chức năng cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả tràn lan trên thị trường. Nhiều nơi mà việc bán hàng giả trở thành “thương hiệu” và là địa chỉ mà những người không đủ tiền mua hàng thật thường đến đó mua hàng giả xuất xứ về dùng. Ngoài việc quản lý hoạt động mua bán trong nước thì cần phải lưu ý đến hoạt động buôn bán qua biên giới. Một lượng rất lớn hàng giả là hàng nhập lậu từ Trung Quốc. Siết chặt quản lý việc giao thương, buôn bán vận chuyển hàng hóa ở các vùng biên giới là điều cần phải làm ngay.

Ngoài ra, phải nâng cao ý thức người tiêu dùng, bởi người tiêu dùng gặp phải hàng giả thường xuyên và trong thời gian dài thành… quen và không có ý muốn đấu tranh loại bỏ nó; chấp nhận dùng hàng giả thay cho hàng thật. Thậm chí, nhiều người còn cổ súy cho hàng giả, vì không có tiền mua hàng thật nhưng vẫn muốn “sang” nên chấp nhận mua hàng giả về dùng. Ý thức thói quen tiêu dùng của mọi người là điều đặc biệt quan trọng trong việc đấu tranh phòng chống hàng giả vì có cầu thì mới có cung.

"Nâng cao ý thức thói quen người tiêu dùng là biện pháp hữu hiệu nhất để đấu tranh với hàng giả. Để làm được điều này, cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cho người dân, thấy được tác hại của việc hàng giả tràn lan trên thị trường và công cuộc đấu tranh này là của tất cả mọi người chứ không riêng gì các cơ quan nhà nước." - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần